Phân khúc nhà, đất giá trung bình có tín hiệu ấm lên ở hai trung tâm đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo các trung tâm môi giới bất động sản ở hai thành phố này, mặc dù phân khúc nhà giá trung bình có giao dịch nhưng không phải đất nào cũng bán được, chỉ những khu đất, căn hộ có vị trí "đắc địa" mới giao dịch thành công.
"Ấm" phân khúc giá trung bình
Tại văn phòng tại số 26, phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Giám đốc Trung tâm tư vấn môi giới bất động sản Đức Quang chóng mặt với các cú điện thoại reo quanh.
"Khách đặt hàng, chào bán và khảo giá suốt ngày anh ạ. Từ đầu năm đến nay, nhà, đất dự án phía tây Hà Nội mức giá trên dưới 2 tỷ đồng bán rất chạy", Giám đốc Quang cho biết. "Lượng giao dịch thành công lên tới 60% và do giao dịch sôi động nên giá đất cũng bị đẩy lên tăng khoảng 20 - 30%".
Khu vực phía Bắc Hà Nội, nơi ngay cả khi "sốt" đất giai đoạn 2006 - 2007 vẫn trầm lắng thì theo môi giới của Trung tâm nhà đất Thịnh Vượng 116 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội, vài tháng lại đây các giao dịch thành công đã tăng lên do giá rẻ hơn so với khu vực phía tây Hà Nội.
Giá đất trong các ngõ thuộc phố Nguyễn Văn Cừ, Ngọc Lâm khoảng từ 16 - 22 triệu đồng/m2. Đặc biệt sôi động là khu vực xóm Tư Đình, xóm Trại giá đất khoảng từ 11 - 14 triệu đồng/m2.
Chị Nguyễn Thúy Hằng, trú tại tập thể Thành Công đang tìm đất tại xóm Tư Đình nhận xét, do giá đất tại khu vực này đang hợp lý, các dự án hạ tầng đang xây dựng như cầu Vĩnh Tuy, Nhật Tân, đường vành đai và dự án thành phố Sông Hồng, nên trong vài năm tới, khu vực này sẽ đông vui và đất sẽ có giá.
Theo một số trung tâm môi giới, trái với sự sôi động của nhà, đất khu vực phía tây và bắc, các trung tâm môi giới trong khu vực nội thành Hà Nội như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân giao dịch nhà, đất trong nội thành vẫn trầm lắng.
Chỉ có loại nhà trong ngõ giá khoảng từ 700 đến 800 triệu đồng/căn là còn nhúc nhắc giao dịch, nhưng cũng chỉ có những mảnh đất đẹp, nhà xây hợp lý mới bán được. Còn nhà, đất thổ cư giá từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng trở lên rất hiếm giao dịch thành công.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Công ty Môi giới bất động sản Sacomreal, giá đất đã chững lại, không còn giảm mạnh như giai đoạn cuối năm ngoái, nhưng giống như Hà Nội, chỉ những khu vực đất, căn hộ có giá trung bình mới có khách.
Tín hiệu gần nhất là dự án gần 210 căn hộ Võ Đình, ở quận 12, với mức giá từ 9,5 - 12,5 triệu đồng/m2 sau một tuần công bố đã bán hơn 90%. Gần với phân khúc nhà giá trung bình, các dự án căn hộ có giá từ 13 - 18 triệu đồng/m2 cũng hứa hẹn sẽ bán được trong năm nay.
Nhà đất giá cao sẽ vẫn trầm lắng
Công bố khảo sát tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội quý I và triển vọng năm nay, ông Richard Leech, Giám đốc CBRE Việt Nam cho biết giá chào bán các dự án nhà ở cao cấp và trung cấp năm ngoái đã giảm 4 - 8%, cá biệt có những dự án giảm tới 20 - 30%.
Dự báo, năm nay, phân khúc nhà giá cao vẫn chưa thể ấm lại. Chỉ có phân khúc nhà giá trung bình là giao dịch sôi động, hiện giá nhà, đất phân khúc này đã tăng khoảng 5 - 10% so với năm ngoái.
Nhận định về thị trường bất động sản hiện nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định nhà đất giá cao ế khách và giảm giá không phải do suy giảm kinh tế mà do đợt “sốt” đất năm 2006 - 2007, giá bất động sản đã bị đẩy lên quá cao so với giá trị.
Nhà, đất giá cao sẽ hạ trong thời gian tới vì Bộ Xây dựng đang nỗ lực tạo nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp. Khi nhu cầu nhà giá rẻ được giải tỏa sẽ góp phần hạ nhiệt bất động sản nói chung và phân khúc nhà, đất giá cao nói riêng.
Theo các chuyên gia bất động sản, mặc dù giá đất của Hà Nội cuối năm ngoái có giảm so với lúc sốt nhưng vẫn quá cao so với giá trị sử dụng. Giá đất khu vực nội thành Hà Nội hợp lý nhất vào khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2 là phù hợp, còn giá khu vực ngoại thành chỉ nên ở mức 5 - 7 triệu đồng/m2.
Nguồn cung đất và nhà ở khan hiếm kéo dài nhiều năm qua đã tạo điều kiện cho giới đầu cơ, kinh doanh bất động sản thao túng đẩy lên quá cao so với mức độ chấp nhận của xã hội. Nếu Nhà nước không sớm tăng cung cho thị trường thì giá nhà, đất tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khó có thể hạ xuống để người có nhu cầu thật có thể tiếp cận.
Vẫn theo các chuyên gia đánh giá, với tỷ lệ đô thị hóa chưa cao, các đô thị lớn của Việt Nam không hề thiếu đất. Vấn đề ở chỗ cách quản lý không thích hợp khiến quan hệ cung - cầu thị trường bất cân đối, tạo môi trường để các nhóm lợi ích thao túng thị trường.
Đánh giá sự bất cân đối cung - cầu của thị trường bất động sản Việt Nam, cũng trong bản đánh giá tổng quan quý I năm nay, CBRE khuyến nghị các nhà đầu tư nước ngoài nên nhanh chóng “nhảy” vào thị trường bất động sản Việt Nam, một thị trường đầy triển vọng bởi cầu thì luôn luôn “nóng” trong khi nguồn cung thì “nhỏ giọt!”.
(Theo Vietnam+)