Việc Indochina Capital mới đây ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Địa ốc Hoàng Quân và trước đó là hàng loạt quỹ nước ngoài liên tiếp mở rộng kinh doanh bất động sản cho thấy lĩnh vực này vẫn là mảnh đất màu mỡ, dù không ít rủi ro.
Tổng số tiền Indochina Capital bỏ ra để mua cổ phiếu từ hai công ty của Hoàng Quân là khoảng 32 triệu USD. Indochina Capital đã thành lập hai quỹ BĐS Indochina Land I & II với tổng vốn hơn 300 triệu USD. Trong thời gian qua, Indochina Capital đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các dự án BĐS gồm các khu phức hợp, khách sạn, khu nghỉ mát...; đầu tư tài chính, tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp và niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ông Trương Thái Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty Hoàng Quân cho biết, việc lựa chọn Indochina Capital là muốn hướng đến sự hỗ trợ của quỹ này trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán (tư vấn để niêm yết trên sàn vào năm 2008) và phát triển chiến lược, công tác quản trị, thương hiệu... trong lĩnh vực BĐS.
Trước đó, Quỹ đầu tư VinaCapital cũng khai trương Quỹ Vinaland với số vốn 200 triệu USD để đầu tư vào 5 lĩnh vực của thị trường BĐS là văn phòng, khu thương mại, khu dân cư, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng vui chơi giải trí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang...
Ngoài việc mang lại lợi nhuận cao, tài sản cố định như nhà xưởng, cao ốc, khu công nghiệp của doanh nghiệp cũng là bằng chứng "đảm bảo" tốt nhất cho nhà đầu tư. Sự kiện quỹ đầu tư Dragon Capital mua 98% cổ phần Công ty Coteccons đưa ra đấu giá với giá mua cao gấp 22 lần mệnh giá là một ví dụ về sự thu hút mạnh mẽ của lĩnh vực BĐS đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giám đốc một công ty kinh doanh BĐS cho biết, từ đầu năm 2007 đến nay, bên cạnh những nhà đầu tư lâu năm đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... thì đang có một làn sóng đầu tư vào BĐS tại Việt Nam đến từ các nước như Nhật, Anh và Mỹ.
Lợi nhuận cao nhưng ẩn chứa rủi ro
Ở trên sàn, cổ phiếu TDH của Công ty phát triển nhà Thủ Đức, HBC của Công ty Hòa Bình... có xu hướng tăng lên sau khi các công ty này loan tin khởi động một số dự án cao ốc văn phòng hạng A. Một nhà đầu tư tại sàn chứng khoán ACBS cho rằng nhu cầu về BĐS của Việt Nam sẽ càng gia tăng nên tất yếu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều có tiềm năng lớn với khả năng sinh lợi cao.
Các công ty như Vincom, Hòa Bình, Coteccons, Cotec Group, Descon, Toàn Thịnh Phát, Cofico... đều có vài dự án chuẩn bị triển khai vào cuối năm nay và đầu năm tới. Nhà đầu tư cổ phiếu cũng nhìn thấy ở các công ty này nhiều lợi thế trong đầu tư BĐS như kinh nghiệm thi công, cung cấp sản phẩm, dịch vụ đồng bộ cho những công trình quy mô lớn. Chưa kể cổ phiếu của các công ty như Hoàng Anh Gia Lai, Kinh Đô... cũng được đánh giá cao do có những dự án BĐS mà họ đang và sắp triển khai. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.
Ông Trịnh Hoàng Nam, Giám đốc Môi giới Công ty chứng khoán Sài Gòn đánh giá cổ phiếu ngành BĐS đang hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước: "Mặc dù thị trường BĐS hiện nay dường như có vẻ không sôi động nhưng nhu cầu về căn hộ, cao ốc văn phòng, khu công nghiệp ngày càng tăng sẽ làm cho thị trường này "nóng" trở lại".
Tuy nhiên, cũng theo ông Nam, do nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng quá nhiều nên giá một số cổ phiếu BĐS hiện nay đã tăng cao so với mặt bằng chung. Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP HCM cũng cho rằng dù BĐS có khả năng sinh lời cao nhưng vẫn là một lĩnh vực nhạy cảm, chịu tác động liên thông với thị trường tài chính và chứng khoán nên ẩn chứa rủi ro. Vì vậy, các nhà đầu tư cần có sự đánh giá và lựa chọn loại cổ phiếu để đầu tư nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại xảy ra.
(Theo Thanh Niên)