SearchNews

Bùng nổ BĐS nghỉ dưỡng: Xuống biển rồi lên núi

17/03/2017 13:42

Trong khi nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng ven biển ồ ạt đổ ra thị trường, cạnh tranh gay gắt thì BĐS nghỉ dưỡng núi lại chưa được quan tâm đúng mức mặc dù phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng núi đang có lượng khách du lịch tăng lên mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây.

Từ năm 2014 đến nay, thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn. Từ chỗ không có cam kết lợi nhuận, đầu tư nhỏ lẻ, tiện ích thì nay BĐS nghỉ dưỡng là một hệ sinh thái, được đầu tư đồng bộ hạ tầng và tiện ích. Từ đó, BĐS nghỉ dưỡng trở thành kênh đầu tư ưa chuộng nhất trên thị trường hiện nay.

Thực tế cho thấy, 3 năm vừa qua BĐS nghỉ dưỡng tại một số thành phố ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang hay kể cả Phú Quốc đang phát triển mạnh mẽ. Số lượng các sản phẩm BĐS từ cao cấp là biệt thự nghỉ dưỡng cho đến sản phẩm trung cấp như condotel tăng lên với tốc độ chóng mặt. Chỉ trong vòng 2 năm số lượng căn hộ nghỉ dưỡng tại Nha Trang đã dẫn đầu thị trường với 11.794 căn, đứng thứ hai là Đà Nẵng với 7.552 căn và thứ 3 là Phú Quốc với 1.201 căn.

Trong khi nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng ven biển ồ ạt đổ ra thị trường, cạnh tranh gay gắt thì BĐS nghỉ dưỡng núi lại chưa được quan tâm đúng mức mặc dù phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng núi đang có lượng khách du lịch tăng lên mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây.

thị trường BĐS nghỉ dưỡng núi
Bất động sản Sapa là một trong những thị trường BĐS nghỉ dưỡng núi phát triển mạnh mẽ nhất trong vài năm trở lại đây.

Điển hình như tại Sapa lượng khách du lịch đã tăng lên gấp đôi chỉ trong vòng 2 năm từ con số 826 nghìn lượt trong năm 2014 lên 1,5 triệu lượt trong năm 2015, dự báo lượng khách này sẽ tăng lên 2,5 triệu lượt vào năm 2020. Cũng ở khu vực phía Bắc, lượng khách du lịch đến Tam Đảo cũng tăng gần gấp 3 lần trong vòng 2 năm từ 650 nghìn khách năm 2014 lên 1,7 triệu lượt khách năm 2016.

Còn tại khu vực phía Nam, Đà Lạt cũng ghi nhận lượng khách du lịch tăng ấn tượng chỉ trong vòng 1 năm từ hơn 4 triệu lượt khách năm 2015 lên 5,4 triệu lượt khách trong năm 2016. Ước tính năm 2017, lượng khách du lịch sẽ đạt mức gần 6 triệu lượt.

Ngoài ra còn hàng loạt những vùng đất với tiềm năng du lịch núi đang trở thành tâm điểm hút khách du lịch trong vài năm trở lại đây như Tam Đảo (Hà Nội), Đại Lải (Vĩnh Phúc), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Tràng An (Ninh Bình).....

Trong khi lượng khách du lịch tăng lên mạnh mẽ cùng tiềm năng du lịch lớn mạnh nhưng nhiều năm qua tại các khu vực này các sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng phát triển khá manh mún, đặc biệt những sản phẩm BĐS chất lượng 5 sao càng là hàng hiếm. Điểm qua hàng loạt các dự án BĐS nghỉ dưỡng núi đã đi vào hoạt động mang chuẩn 5 sao cũng chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay, có thể kể đến như Dalat Eden Resort (Đà Lạt), Flamigo Đại Lải (Vĩnh Phúc), Jade Hill (Sapa)…

Trước thực tế này, nhiều đại gia BĐS đã nhận thấy được tiềm năng lớn của BĐS nghỉ dưỡng núi và bắt đầu chuyển hướng đầu tư.

Đầu tiên phải kể đến là Sapa. Sau người đi tiên phong Trường Giang Group với dự án dự án 5 sao đầu tiên Sa Pa Jade Hill đã được đưa vào sử dụng thì hàng loạt “ông lớn” địa ốc Sungroup, Bitexco, Hoa Sen....cũng ồ ạt đổ nghìn tỷ vào vùng đất này với hàng chục dự án BĐS nghỉ dưỡng tầng cỡ đang xây dựng.

Ngoài Sapa, hàng loạt những vùng núi khác cũng đang đón sóng đầu tư của các đại gia BĐS, có thể kể đến như Siêu dự án Hồ Núi Cốc 15.000 tỷ của tỷ phú Xuân Trường cũng vừa được khởi công tại Thái Nguyên trong năm 2016. Hay như Dự án Khu du lịch Tam Trúc - Ba Sao tại Hà Nam cũng được đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 cũng của tỷ phú Xuân Trường.

Ngoài ra, còn rất nhiều ông lớn khác đang tham gia khảo sát và tìm cơ hội đầu tư ở Ninh Bình, Tam Đảo, Đà Lạt, Vĩnh Phúc....

Theo đánh giá của các chuyên gia, BĐS nghỉ dưỡng núi với tiềm năng vô cùng lớn nhưng lại chưa được khai thác nhiều. Sự hấp dẫn của phân khúc này ngoài các lợi thế về tự nhiên, văn hóa lịch sử thì còn là nét đẹp bản sắc văn hóa vùng miền. Đây sẽ là một lĩnh vực hấp dẫn đầu tư trong thời gian tới và nếu khai khác tốt sẽ không thiếu khách.

Cũng đánh giá cao về tiềm năng BĐS nghỉ dưỡng núi, ông Nguyễn Trần Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng – Chủ tịch Hiệp Hội BĐS Việt Nam cũng cho rằng: "Cùng với các khu nghỉ dưỡng ven biển, BĐS nghỉ dưỡng ở vùng trung du, miền núi đang tạo sự đa dạng phong phú trong chuỗi sản phẩm trên thị trường. Khung cảnh thiên nhiên độc đáo và bản sắc dân tộc mang đến sự khác biệt cho du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng ở các tỉnh miền núi. Bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi vừa có lợi thế kép quảng bá du lịch địa phương, vừa là điểm đến hấp dẫn đối với khách lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng".

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu