Đã hết thời hạn quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng số địa phương gửi báo cáo kết quả rà soát bất động sản (BĐS) du lịch - nghỉ dưỡng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
“Sức nóng” của bất động sản du lịch
Ngày 15/9/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 6536/BKH-TTr về việc thanh tra, kiểm tra các dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự rà soát, đánh giá và báo cáo tình hình quản lý nhà nước và thực hiện đầu tư đối với các dự án này tại địa phương.
Việc thanh tra, kiểm tra các dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng diễn ra trong bối cảnh việc đầu tư xây dựng trong lĩnh vực này đang phát triển “nóng”. Theo một công ty nghiên cứu bất động sản, chỉ riêng năm 2010, cả nước có tới 55 dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng.
Nhiều địa phương đã cạn quỹ đất vì giao gần hết đất cho các doanh nghiệp, nhưng phần lớn doanh nghiệp chỉ “xí phần”, chứ không có năng lực triển khai. Trong khi đó, một số nơi triển khai quá rầm rộ, dẫn đến “bội thực” BĐS du lịch - nghỉ dưỡng. Với tốc độ phát triển như vậy, tất yếu sẽ phát sinh những hệ lụy trong quản lý, vận hành khai thác và ảnh hưởng đến môi trường.
Địa phương trây ì nộp báo cáo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã “chốt” thời hạn gửi văn bản về Bộ trước ngày 30/11/2010. Tuy nhiên, thời hạn đã hết mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nhận được vỏn vẹn 4 báo cáo từ các tỉnh Thanh Hóa, Trà Vinh, Bình Phước, Bắc Giang.
Đây không phải là lần đầu tiên các địa phương trây lỳ nộp báo cáo. Mới đây, vào đầu tháng 11/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn 7639/BKH–GS&TĐĐT gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý đối với các cơ quan không gửi báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư bằng việc đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đề nghị các cơ quan kiểm điểm, báo cáo Thủ tướng về nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan; có giải pháp chấn chỉnh bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vị quản lý của mình; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và nội dung báo cáo theo quy định, đồng thời kiến nghị xử lý vi phạm.
Thấy gì qua báo cáo của các địa phương?
Điều đáng nói là, các địa phương gửi báo cáo không thuộc vùng “trọng điểm” về đầu tư BĐS du lịch - nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, kết quả sơ bộ của các báo cáo cũng nói lên nhiều điều.
Điển hình, tỉnh Thanh Hóa có tới 36 dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng, trong đó chỉ có 1 dự án đã đi vào hoạt động (Dự án Khu du lịch Vạn Chài do Công ty TNHH An Bình Mai làm chủ đầu tư), 12 dự án đang đầu tư, 17 dự án trong giai đoạn lập dự án đầu tư và 6 dự án mới xin chủ trương đầu tư. Đáng chú ý là, tổng vốn ngân sách phục vụ hạ tầng du lịch giai đoạn 2006 - 2010 là gần 175 tỷ đồng.
Bắc Giang có 12 dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng (6 dự án khu du lịch sinh thái, 4 dự án khu nghỉ dưỡng và 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng có sân golf), với tổng vốn đăng ký hơn 682 tỷ đồng và 33 triệu USD. Các dự án này chiếm hơn 10,6 triệu m2 đất.
Trong khi đó, Trà Vinh có 4 dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng đang nghiên cứu triển khai và đang kêu gọi đầu tư vào 2 dự án. Còn tỉnh Bình Phước đang kêu gọi đầu tư 3 dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng, với tổng vốn đầu tư 1.464 tỷ đồng và 30 triệu USD, chiếm 5.237 ha đất.
Có thể thấy rằng, những địa phương đang “bội thực” tình trạng phát triển BĐS du lịch - nghỉ dưỡng và tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý, quy hoạch, môi trường và cạn kiệt quỹ đất, như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP.HCM… lại chưa gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong khi đó, các địa phương đã gửi báo cáo (không có lợi thế về du lịch biển, nghỉ dưỡng) cũng dấy lên một mối lo ngại về đầu tư tràn lan các dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng, kéo theo nhiều vấn đề như quy hoạch đầu tư thiếu cân xứng, cơ cấu đầu tư không hợp lý. Chính vì thế, rất cần các biện pháp xử lý nghiêm khắc, bởi báo cáo đầy đủ về tình hình đầu tư BĐS du lịch - nghỉ dưỡng sẽ đưa ra bức tranh tổng thể để từ đó vạch ra các chiến lược, quy hoạch đầu tư hợp lý.
(Theo Đầu Tư)