SearchNews

Các doanh nghiệp phải tự cứu mình

10/11/2008 09:59

"Vốn là yếu tố quan trọng song các doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách tung ra thị trường những sản phẩm phù hợp với túi tiền của người dân", ông Nguyễn Mạnh Hà Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản nhận định.

"Vốn là yếu tố quan trọng song các doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách tung ra thị trường những sản phẩm phù hợp với túi tiền của người dân", ông Nguyễn Mạnh Hà Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản nhận định.

- Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang lách luật bằng các hình thức vay vốn. Có quy định nào kiểm soát được vấn đề huy động vốn của các doanh nghiệp không?

- Trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản có quy định khi nào thì được huy động vốn và khi nào được phép bán sản phẩm nhà ở. Nhà nước không thể cấm được nếu việc huy động vốn của chủ đầu tư và người dân được coi là hợp pháp. Nếu như chủ đầu tư góp vốn, huy động, cho vay đúng pháp luật thì chúng ta nên đồng tình, thậm chí còn khuyến khích.

Tuy nhiên, luật cần cụ thể hơn trong việc vay vốn để đầu tư dự án hay để bán sản phẩm nên sắp tới Bộ xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này. Luật pháp bao giờ cũng phải xuất phát từ thực tế. Trong quy định của luật pháp, có những khoản mà chúng ta chưa phủ kín được và có những cái phát sinh từ cuộc sống. Chúng tôi sẽ đề xuất với Nhà nước để có những quy định phù hợp hơn.

- Hiện nhiều ngân hàng thương mại đang bật đèn xanh cho vay trở lại đối với bất động sản. Khi doanh nghiệp được "bơm" vốn, ông nghĩ thế nào về khả năng giảm giá đất và chúng ta lại phải đối mặt với tình trạng đầu cơ?

- Ngân hàng mở hầu bao cho vay bất động sản là dấu hiệu tốt cho thị trường. Theo tôi, điều cơ bản nhất để các doanh nghiệp bất động sản tự cứu mình là họ biết tung ra thị trường các sản phẩm hợp với túi tiền của người dân. Giá đất có giảm hay không còn phụ thuộc giá đầu vào của sản phẩm. Khi giá đền bù giải phóng mặt bằng, giá vật liệu… xuống thì giá thì giá nhà cũng xuống.

Khi có lợi nhuận, sẽ có đầu cơ. Điều đó là không tránh được. Nhà nước cùng cơ quan chức năng đã có những chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm pháp luật. Trong đó, công cụ thuế là một phương án khả thi. Đầu cơ càng nhiều thì thuế đánh càng cao.

- Ông nghĩ sao về việc có đến 80% người dân có nhu cầu mua nhà thực sự nhưng vẫn chưa chạm được đến mặt hàng này?

- Hiện nay cung vẫn chưa đáp ứng được cầu. Nền kinh tế của chúng ta xuất phát điểm thấp và đang cố gắng từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện người dân đều có chỗ ở, nhưng chỗ ở đó có đảm bảo tiêu chuẩn không hay không thì chúng ta vẫn còn phải phấn đấu. Nhà nước đang tìm giải pháp để đáp ứng tốt hơn về nhu cầu nhà ở cho người dân.

- Khi cung ít hơn cầu, khách hàng có thể bị bắt chẹt ở một điều khoản nào đó. Vậy đã có những quy định hay điều khoản nào trong hợp đồng để bảo vệ họ?

- Trong luật nhà ở, nghị định 90 đã có mẫu hợp đồng với những quy định cụ thể. Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể hơn giúp người dân nắm rõ luật trong quá trình mua bán. Trước bối cảnh bất khả kháng là thị trường bất động sản trong thời gian qua có nhiều đột biến, giá vật liệu tăng quá nhanh, chủ đầu tư và khách hàng phải ngồi lại với nhau để cùng đi tới một thỏa thuận tránh thiệt hại cho cả hai bên. Tuỳ trường hợp, điều kiện cụ thể của từng dự án mà chủ đầu tư và khách hàng có phương án giải quyết phù hợp. Nhà nước không thể ép chủ đầu tư hay người dân phải thế này hay thế kia.

- Đô thị hóa càng nhiều, vấn đề kết nối hạ tầng giữa khu đô thị mới và cũ càng khó khăn, vậy Nhà nước sẽ có chủ trương gì để khắc phục tình trạng này?

- Điều này phụ thuộc nhiều vào vấn đề quy hoạch. Chủ đầu tư có thể ở rải rác nhưng quy hoạch chung phải thống nhất. Hiện nay ta đang lập quy hoạch cho Hà Nội mở rộng. Các thành phố trung tâm phải đi trước một bước. Chính quyền địa phương phải quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng chính để kết nối các khu đô thị lại với nhau tạo ra sự thống nhất trong quy hoạch. Không cứ gì ở phía Đông hay phía Tây, bất cứ ở đâu có quy hoạch tốt sẽ hấp dẫn nhà đầu tư.

- Ông đánh giá thế nào về các cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin về bất động sản cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng của ta hiện nay?

- Đúng là cơ sở dữ liệu của ta còn khó khăn. Chính phủ đang giao cho Bộ tài nguyên môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản. Bộ Xây dựng cũng đang tiến hành thiết lập một mạng thống nhất kết nối các sàn. Đất đai vốn có nguồn gốc phức tạp. Để xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh ta cần thời gian nhất định.

Hoàng Lan

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu