SearchNews

Nhà giá rẻ sẽ cứu thị trường

03/11/2008 09:15

Theo nhiều nhà đầu tư, việc chưa tạo được nguồn cung về nhà giá rẻ để đáp ứng nhu cầu là một khiếm khuyết lớn. Sự mất cân đối giữa nhà giá cao dư thừa và nhà giá rẻ thiếu dẫn đến thị trường bất động sản mất cân đối, nóng lạnh lệch pha.

Theo nhiều nhà đầu tư, việc chưa tạo được nguồn cung về nhà giá rẻ để đáp ứng nhu cầu là một khiếm khuyết lớn. Sự mất cân đối giữa nhà giá cao dư thừa và nhà giá rẻ thiếu dẫn đến thị trường bất động sản mất cân đối, nóng lạnh lệch pha.

Sáng 1/11, buổi tọa đàm "Ngân hàng và bất động sản làm gì trước cơn khủng hoảng tài chính" do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, nhiều giải pháp đã được đưa ra để cứu nguy cho thị trường. Nổi bật nhất, theo nhiều nhà đầu tư, các công ty địa ốc nên đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng bằng cách chuyển hướng sang nhà giá rẻ.

Theo thống kê của Công ty Địa ốc Đất Lành, hiện có 60% người dân phải thuê nhà để ở, 30% số người khác phải ở nhờ họ hàng. Còn lại 10% có nhà để ở... Việc chưa tạo được nguồn cung về nhà giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của người dân là một khiếm khuyết lớn. Sự mất cân đối giữa nhà giá cao dư thừa trong khi nhà giá rẻ lại thiếu dẫn đến thị trường bất động sản mất cân đối, nóng lạnh lệch pha. Các nhà giá rẻ có diện tích từ 30 tới 40 m2, giá khoảng 10-13 triệu đồng một m2 sẽ phù hợp với những đối tượng có thu nhập từ 6 đến 8 triệu mỗi tháng. Khi đáp ứng được nguồn cầu này, thị trường bất động sản sẽ bớt băng giá.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Đất Lành cho biết, thị trường bất động sản của ta thực chất đang phát triển theo hình thang. Những người có nhu cầu mua nhà giá cao chỉ chiếm khoảng 5%, còn lại là những người mua nhà giá thấp. Trong khi đó, chúng ta lại xây dựng một thị trường theo hướng ngược lại. Đa phần các căn nhà để bán giá còn cao, có dự án lên tới 4.000-6.000 USD mỗi m2. "Chúng ta như đang làm xiếc, chỉ cần một cơn gió nhẹ như ngân hàng xiết nợ, lạm phát tăng là ngành địa ốc xây dựng trên biểu đồ ngược này sẽ lung lay, thậm chí đổ sụp", ông Đực bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaland Invest, cho biết, hiện thị trường địa ốc đang sụt giảm theo hình xoắn ốc. Giá bán ra cao trong khi sức mua yếu. Thị trường nhà ở và tái định cư của chưa phát huy được hiệu quả. "Chính phủ nên khuyến khích vốn đầu tư của tư nhân vào thị trường này cũng như thương mại hóa nhà ở xã hội để mua lại các dự án đất giá rẻ sẽ đáp ứng được sức cầu của thị trường", ông Hoàng đề xuất.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu liền sau cơn bệnh lạm pháp là cú đúp làm suy yếu lòng tin vào thị trường bất động sản. Thêm vào đó, ngân hàng hạ lãi suất cơ bản xuống 13% nhưng trần lãi suất cho vay là 19,5%, theo nhiều chuyên gia vẫn còn là quá cao. Khi lãi suất cao sẽ dẫn tới việc các công ty địa ốc không nhận được vốn từ ngân hàng và giá thành của hàng hóa bất động sản bị đẩy lên cao. Dẫn đến những người có nhu cầu thực sự không có khả năng chi trả cho những hàng hóa bất động sản có giá cao này.

Trong khi ở thị trường tự do nhỏ lẻ, nhiều người dân đã nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng khi cải tạo các căn nhà của mình để cho thuê với giá rẻ thì nhiều công ty địa ốc chưa làm được điều này. Thêm vào đó, theo quy định, nhiều công ty địa ốc phải hoàn tất móng mới được thu hồi vốn làm nhiều doanh nghiệp lao đao bởi móng chiếm từ 20 đến 30 % giá trị công trình. Nhiều nhà đầu tư trở nên bế tắc, loay hoay vì không dự tính được thị trường và không biết lấy đâu ra vốn để xây dựng công trình. Theo ông Trần Minh Hoàng thì Chính phủ nên thực hiện gói chính sách kích cầu tín dụng bất động sản với lãi suất thấp cho các dự án gần xong.

Một vấn đề không nhỏ làm đau đầu nhiều công ty địa ốc là giấy tờ thủ tục pháp lý. Ông Trần Luật, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thiên Đức cho rằng, nhiều khách hàng của ông gặp rắc rối vì hạ tầng xây xong lâu rồi nhưng thủ tục pháp lý sổ hồng sổ đỏ còn quá rườm rà, phức tạp. "Trong khi đó, khách hàng nợ giai đoạn cuối cần sổ đỏ lại không được cấp nên chỉ còn biết kêu trời”, ông Luật than.

Còn ông Nguyễn Văn Đực cho biết trong quá trình thi công, cán bộ thụ lý thường yêu cầu chủ đầu tư mất tới 2, 3 tháng với chi phí hết sức đẳt đỏ để hoàn thành thủ tục hồ sơ pháp lý. Theo ý kiến của ông Đực, không nên cải cách hành chính mà nên làm lại từ đầu theo một quy trình ngắn gọn hơn. “Có như vậy, thị trường địa ốc dân tộc của ta mới thoát khỏi nguy cơ bị chiếm lĩnh bởi ngành địa ốc ngoại lai”, ông Đực nhận định.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Tống Văn Nga cho biết tất cả các kiến nghị sẽ được tập hợp để trình lên Thủ tướng để cứu bất động sản thoát khỏi tình trạng băng giá như hiện tại.

Hoàng Lan

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu