Bất động sản du lịch đang là cơ hội đầu tư trong thời gian tới và cần có những quy hoạch tổng thể của sự phát triển. Dothi.net đã có cuộc trao đổi với ông Tống Văn Nga, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về vấn đề này.
Thưa ông, trong thời gian qua, báo chí và các phương tiện truyền thông đề cập rất nhiều đến sự phát triển của thị trường BĐS Du lịch. Cùng với sự ra đời của Chi hội BĐS Du lịch thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông nghĩ sao về việc này?
Nước ta có thế mạnh về du lịch, cho đến nay chưa khai thác hết tiềm năng, cõ lẽ do nguyên nhân chính là chưa có những tổ chức chuyên môn chuyên sâu, chưa có tích lũy, đào tạo chuyên về du lịch. Du lịch phát triển tốt cần phải có cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư bất động sản. Sự ra đời của Chi hội BĐS du lịch, tập hợp nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng, liên kết tạo thành sức mạnh và có sự đồng tâm hiệp lực, các đơn vị trong và ngoài nước đẩy mạnh cho du lịch phát triển.
Du lịch góp phần xây dựng nên thương hiệu cho đất nước, tận dụng được sự quảng bá sâu rộng cho đất nước, chi hội BĐS du lịch ra đời là một trong những mục tiêu nhằm hướng tới việc tập hợp nhà đầu tư kinh doanh, tư vấn xây dựng để kinh tế du lịch phát triển trước mắt và lâu dài.
Trong thời gian qua, Hiệp hội đã tạo mọi điều kiện để chi hội BĐS du lịch hình thành. Chi hội bất động sản du lịch chính thức được thành lập và tổ chức đại hội vào ngày 14/8 vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ông nhận định như thế nào về sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản du lịch Việt Nam hiện nay?
Đầu tư vào bất động sản đang tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây với những đổi mới trong lĩnh vực đất đai. Bất động sản đang là lĩnh vực đứng thứ hai trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trong số đó, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến dự án bất động sản du lịch. Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam rất lớn.
Ông có nhận định gì về sự phát triển của thị trường BĐS du lịch thời gian tới?
Trước khi có khủng hoảng, BĐS du lịch là một trong những nhánh thu hút đầu tư nước ngoài, hiện nay ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới một số dự án bị chững lại, trong thời gian tới sẽ bùng phát. Du lịch không chỉ hướng vào khách nước ngoài mà khách trong nước cũng là một tiềm năng lớn khi điều kiện cuộc sống được nâng cao, ai cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, thăm quan danh lam thắng cảnh, nâng tầm văn hóa tạo điều kiện quảng bá thu hút khách nước ngoài.
Triển vọng BĐS du lịch trong những năm tới có những bước tiến phát triển mạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đầu tư trong nước mà cũng cần đầu tư ra nước ngoài cũng như học hỏi kinh nghiệm và nâng tầm quản lý bất động sản.
Các dự án BĐS du lịch hiện nay tập trung ở các vùng duyên hải miền Trung, vậy theo đánh giá của ông tiềm năng các khu vực khác thế nào? Vậy còn thiếu những yếu tố nào để thúc đẩy sự phát triển của bất động sản du lịch, theo ông?
Việt nam có bờ biển dài, quần đảo đẹp như Cát Bà, Hạ Long đặc biệt là dọc miền Trung rất nhiều bãi biển đẹp, là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch. Các khu vực này phát triển nhiều bất động sản du lịch do điều kiện giao thông phát triển hơn.
Trước tiên phải đầu tư vào giao thông. Cái cơ bản hiện nay muốn phát triển du lịch miền núi trung du phải đẩy mạnh giao thông, có quảng bá và đầu tư. Không nên nôn nóng nếu làm sớm thì sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường thiên nhiên, chậm, chắc chắn giữ được cảnh quan môi trường thiên nhiên quý hiếm và không thể một lúc chúng ta có ngay được điều kiện thiên nhiên đó. Kinh tế dần đi lên, đầu tư vào giao thông mạnh hơn và những khu vực đó sẽ phát triển.
Theo ông, doanh nghiệp bất động sản du lịch Việt Nam cần làm gì để đón đầu sự bùng nổ của thị trường?
Muốn phát triển bền vững và lâu dài trước hết cần có quy hoạch tổng thể trên toàn quốc. Từ quy hoạch tổng thể đó, phân loại ra tập trung chỗ nào trước, chỗ nào sau, định được quy mô từng vùng và lựa chọn nhà đầu tư nhất quán, không thể chia mảnh, đấu thầu từng mảnh để không phá vỡ tính tổng thể.
Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, BĐS du lịch vẫn là mới từ khâu ý tưởng, tư vấn, xây dựng, quản lý và quảng bá. phải có những yếu tố đấy mới tạo sự phát triển lâu dài và có sự kết nối giữa các nhà đầu tư và tổ chức tài chính, huy động xã hội hóa quy hoạch phải tập trung, huy động các nguồn lực phải đa dạng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Duy Khánh