Ngày 4/4 vừa qua, theo nguồn tin của Báo Người Lao động cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội mới chỉ có 179 trong tổng số 718 chung cư cao tầng mua bảo hiểm cháy nổ tính đến thời điểm hiện tại. Phần lớn những chung cư mua bảo hiểm cháy nổ đều là những chung cư cao cấp và chung cư thương mại.
Dù Nghị định 130/2006/NĐ-CP ban hành năm 2006 đã quy định rõ chủ sở hữu chung cư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình, đồng thời có trách nhiệm đóng góp chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ đối với phần thuộc sở hữu chung. Chi phí này được phân bổ tương ứng với phần sở hữu riêng của từng chủ sở hữu. Chủ đầu tư hoặc các đơn vị quản lý vận hành chung cư có trách nhiệm phân bổ và công khai mức thu, đồng thời thực hiện mua bảo hiểm cháy, nổ đối với phần sở hữu chung này.
Tuy nhiên, thống kê sơ bộ của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) thành phố Hà Nội cho thấy, hiện có rất ít chung cư mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Còn hàng trăm chủ đầu tư vẫn thờ ơ với quy định này cho dù nhiều vụ cháy chung cư mới xảy ra dẫn tới thiệt hại về người và tài sản vô cùng lớn.
|
Chung cư CT6 Văn Khê vi phạm về phòng cháy. Ảnh: Minh Chiến. |
Tìm hiểu của của phóng viên cho thấy trong số ít chung cư ở Hà Nội đã mua bảo hiểm cháy nổ, phần lớn chủ đầu tư chỉ mua bảo hiểm cho phần xây dựng, tức phần khung của tòa nhà, còn người dân sẽ phải tự mua bảo hiểm cho phần diện tích trong khu nhà. Tuy vậy, số lượng cư dân tự bỏ tiền ra mua bảo hiểm cháy nổ cho phần sở hữu riêng còn rất ít. Những vụ cháy xảy ra gần đây ở các chung cư là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cư dân trong việc mua bảo hiểm cháy nổ.
Từ ngày 15/4/2018, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 130, quy định các công trình có nguy cơ về cháy, nổ như: Cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên, khách sạn, nhà chung cư, trường mầm non, nhà trẻ, nhà điều dưỡng, bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh... đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các đơn vị kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.
Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bao gồm toàn bộ tài sản có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (gồm nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm...).
Nghị định số 23/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm được phép từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho những cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ; các cơ sở bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động vì vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy...
Theo luật sư Nguyễn Huy An (đoàn luật sư thành phố Hà Nội), UBND cấp xã/huyện/tỉnh và cảnh sát PCCC trong quá trình kiểm tra PCCC định kỳ đều có thẩm quyền kiểm tra những đối tượng tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Nếu phát hiện vi phạm, các cơ quan trên có quyền lập biên bản xử phạt hành chính với mức phạt từ 20-30 triệu đồng.