SearchNews

Chợ An Đông ở Sài Gòn ngày càng xuống cấp, xập xệ

27/09/2017 08:14

Cơ sở hạ tầng chợ An Đông (Tp.HCM) sau nhiều năm sử dụng hiện đã xuống cấp, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động làm ăn, buôn bán của các tiểu thương.

Chợ An Đông hình thành từ năm 1951, là chợ có lịch sử lâu đời tại Tp.HCM và được xem là một trong ba chợ truyền thống cấp 1 (cùng với chợ Bến Thành và Bình Tây). Năm 1991, hơn 2.000 người dân buôn bán nhỏ tại chợ An Đông đã góp công, góp sức xây dựng chợ kiên cố như hiện tại.

Chợ An Đông (hay còn gọi là trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông) từng là nơi mua sắm nhộn nhịp bậc nhất quận 5 nói riêng và cả Tp.HCM nói chung. Các mặt hàng chủ yếu được kinh doanh tại chợ bao gồm: Quần áo, giày dép, đồ thủ công mỹ nghệ và trang sức. Chợ có gần 4.000 tiểu thương và nhân viên làm việc, kinh doanh trong hơn 2.700 quầy sạp.

Hiện tại, cơ sở vật chất trong chợ An Đông đã xuống cấp trầm trọng sau nhiều năm vận hành. Ngoài ra, người dân dần chuyển sang mua sắm tại các trung tâm thương mại mới khang trang, hiện đại hơn khiến cho lượng khách đến chợ dần thưa thớt.

Khi trời mưa, tại khu vực tầng 3, trần chợ bị dột khiến cho nước nhỏ xuống liên tục. Nhiều khu vực khác bên trong cũng xảy ra tình trạng này.

Nước mưa chảy dọc theo đường dây điện xuống các tầng phía dưới. Điều này có thể gây nguy hiểm khó lường nếu dây điện bị chập mạch.

Nước mưa nhỏ từ tầng trên xuống khiến nhiều khu vực trong chợ bị ướt. Các tiểu thương dùng xô hứng nước hoặc dùng bạt che kho hàng để hàng hoá không bị ẩm ướt.

Vốn buôn bán quần áo từ những ngày đầu thành lập chợ, ông Phạm Viết Thanh (áo vàng) đã chứng kiến sự xuống dốc từ từ của chợ An Đông. Ông chia sẻ, trước đây, ông làm việc không kịp để bán cho khách hàng nhưng hiện tại, ông cùng nhiều tiểu thương khác chỉ "ngồi chơi xơi nước".

Do tình hình kinh doanh ế ẩm nên hình ảnh những tiểu thương ngồi tán dóc với nhau hoặc vô tư ngủ không còn hiếm gặp.

Ở một số nơi, người ta trát xi măng để khắc phục tình trạng dột trần.

Phía trên các sạp hàng, dây điện mắc chằng chịt và lộ thiên.

Thay vì để bình chữa cháy, các tủ phòng cháy chữa cháy lại được tận dụng để chứa rác.

Ở gần lối đi cầu thang, nhân lúc vắng khách, nhóm thanh niên phụ bán hàng đang ngồi tán gẫu trong cái nóng hầm hập. Anh Trương Đặng Công Tâm làm công cho một sạp bán quần áo đã được 5 năm, thu nhập hàng tháng được 4 triệu đồng. Khi sạp bán đắt thì anh sẽ có nhiều tiền hơn, tuy nhiên, với tình hình hiện thì mức lương của anh chỉ giậm chân tại chỗ.

Do tình hình kinh doanh không khả quan, nhiều tiểu thương quyết định treo biển sang sạp...

Thậm chí, một vài tiểu thương còn đóng hẳn cửa hàng, ngừng kinh doanh.

Những ô cửa kính, cửa sổ của chợ bị vỡ, nứt nên được chắp vá lại bằng những mảnh giấy loang lổ.

Trên tường cũng xuất hiện những vết nứt dài đến vài mét.

Bà Phan Thị Bích Liên (áo trắng), chủ một sạp hàng cho biết ngày càng ít khách đến chợ mua sắm vì bên trong chợ quá cũ kỹ và nóng. Công tác sửa chữa chợ diễn ra quá chậm khiến doanh thu của sạp bà giảm đến 70-80%.

Nhiều tiểu thương chợ An Đông chia sẻ, từ năm 2013, Ban quản lý chợ đã thu tiền các sạp để sửa chữa chợ, tổng số tiền theo công bố là 217 tỷ đồng. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, việc sửa chữa vẫn chưa được thực hiện khiến nhiều tiểu thương trong chợ bức xúc.

Đến sáng 19/9, các tiểu thương chợ An Đông đã bãi thị từ 6h sáng đến gần 10h. Sau đó, các tiểu thương cùng nhau bộ hành tới UBND Tp.HCM. Nguyên nhân khiến tiểu thương cảm thấy bức xúc là do Ban quản lý thu chi sửa chữa chợ không rõ ràng. Cụ thể, theo phản ánh của tiểu thương chợ An Đông: Từ đầu năm 2012, hơn 2.000 tiểu thương đã được vận động đóng trước hơn 217 tỷ đồng với nhiều hứa hẹn từ quận như nâng cấp bảo dưỡng chợ khang trang, sạch đẹp. Thế nhưng gần 5 năm qua, lời hứa đó vẫn chưa trở thành hiện thực. Hiện tại, hàng nghìn tiểu thương chợ truyền thống An Đông phải buôn bán trong hoàn cảnh hạ tầng chợ xuống cấp trầm trọng, khách lần lượt bỏ chợ ra đi.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu