Trong Nghị quyết 02/NQ-CP ban hành ngày 7/1/2013, Chính phủ đồng thuận cho phép DN chuyển đổi nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội, tất nhiên, theo những điều kiện và tiêu chí của Bộ Xây dựng… Tuy nhiên, DN vẫn đang chờ những điều kiện và tiêu chí của Bộ chủ quản này.
Nếu chủ trương được thực hiện và kịp thời thì người nghèo sẽ có nhà, DN cũng gỡ được những khó khăn tồn tại từ lâu.
Dè dặt đón đầu
Đến thời điểm này hiện nay hầu hết DN vẫn đang mò mẫm chuẩn bị thực hiện, do vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn đầy đủ từ phía Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư đã bắt đầu bắt tay đề nghị chuyển đổi dự án. Cty Vinaconex 2 là trường hợp mới nhất cho biết đã có đề nghị được chuyển đổi một tòa chung cư cao tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (Golden Silk) tại quận Hoàng Mai sang loại hình nhà ở xã hội. Theo dự kiến, tòa nhà này sẽ được khởi công trong quý III tới và phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2015.Theo đó, tòa nhà A1 có quy mô 32 tầng sẽ được xây dựng thành nhà ở xã hội phục vụ cho các đối tượng chính sách. Do đây là dự án đáp ứng đúng các tiêu chí mà đích thân Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông báo… sau khi thị sát: Chưa triển khai công trình nhà ở nhưng đã giải phóng mặt bằng, nên chắc chắn dự án có thể sẽ được chuyển đổi mục đích và khuyến khích triển khai nhanh.
Tất nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng có được cái may mắn như Vinaconex 2. Hiện nay cả nước đã có khoảng 20 chủ đầu tư có công văn đề xuất cụ thể và phương án chuyển đổi mục đích chung cư thương mại sang loại hình nhà ở xã hội, trong đó TP HCM có 9 dự án, Hà Nội 7 dự án, Bình Dương 1 dự án và Đồng Nai 1 dự án. Tuy nhiên, một số dự án thuộc diện đã có công văn đề xuất, thì lại không nằm hoàn toàn đáp ứng tiêu chí “chưa triển khai” do chủ đầu tư đã bắt tay làm trước một số hạng mục trước khi chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng của dự án được đưa ra. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư tỏ ra băn khoăn về quy định dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa thi công liệu có phải là một “rào cản” đối với dự định chuyển đổi mục đích sử dụng dự án của DN? Trong trường hợp DN chỉ mới bắt tay thi công, và thi công khoảng 20% dự án, tức mới chỉ các hạng mục “vòng ngoài” thì Bộ Xây dựng có “du di” cho điều kiện này để DN được phép chuyển đổi hay không?
Và đi trước...
Trong khi nhiều DN thương mại tỏ ra sốt ruột mong chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục điều chỉnh - chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang xây dựng nhà ở xã hội, thì tại địa bàn phía Nam, việc nhà nước hợp tác với DN nhằm tăng quỹ nhà ở xã hội cũng đã được TP HCM đi trước, thực hiện. Thậm chí thực hiện tới cách đây… nhiều năm.
Tại TP HCM, năm 2010, theo thống kê ban đầu của đoàn công tác liên ngành, đến năm 2015, TP sẽ thực hiện 498 dự án, 120.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó có 191 dự án đang triển khai dở dang trong giai đoạn 2006 - 2010 chuyển sang với số hộ dân có nhu cầu tái định cư là 38.246 hộ, 307 dự án mới với tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 77.706 và có hơn một nửa số hộ này có nhu cầu được bố trí tái định cư. Như vậy, giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến có hơn 83.000 hộ có nhu cầu tái định cư. Có thể nói cách khác là nhu cầu nhà ở tái định cư cho dân nhằm đảm bảo các dự án công ích trên địa bàn TP là rất lớn. Do vậy, TP đã có nhiều chủ trương, ký kết với DN mua nhà tồn đọng, nhà ở thương mại của DN để làm nhà ở tái định cư. Theo đó, khoảng 900 căn hộ của Cty Nước Thải TP, 3.000 căn hộ của Cty Nam Rạch Chiếc, 3.000 căn hộ của CTCP Thế kỷ 21… đã được UBND TP ký hợp đồng mua lại. Ngoài ra, với chủ trương “đổi đất lấy căn hộ”, khuyến khích DN bỏ vốn đầu tư căn hộ để đổi lấy quỹ đất tương ứng cũng giải quyết được nhu cầu tái định cư lên tới hàng chục nghìn căn hộ của hàng chục nghìn người dân.
Tuy nhiên, một thực tế đầy nghịch lý cũng đang diễn ra xung quanh việc “đi trước” này là hiện tại TP cũng có những dự án chung cư được UBND TP đăng ký mua làm nhà tái định cư, nhưng đã tạm ngưng xây dựng vì thiếu tiền. Trong khi đó, một số dự án căn hộ dành cho dân tái định cư đã hoàn thành lại bỏ hoang. Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Cty địa ốc Đất Lành (TP HCM), nếu ở Hà Nội đang có gần 10.000 căn nhà ở xã hội đang ế, thì TP HCM khoảng 5.400 căn nhà tái định cư “ế” tương tự mà nguyên nhân chủ yếu là do giá bán tái định cư quá cao khiến dân không mua nổi. Theo đó, một khi nhà tái định cư đang tồn đọng thì nhà ở xã hội được hình thành qua các dự án mới, và dự án chuyển đổi mục đích sử dụng tới đây, sẽ được đón nhận ra sao vẫn là một ẩn số - ông Đực nói.
Liệu sẽ có hay không chuyện nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội cùng “đấu” nhau trong một cuộc chiến tạo mặt bằng giá nhà ở, mà qua đó người thu nhập thấp sẽ thực sự được hưởng lợi ?
Theo DDDN