SearchNews

Sàn giao dịch BĐS: “Bất động” trông đợi khách hàng

07/03/2013 08:36

Đầu 2013, lịch nghỉ tết của các sàn giao dịch BĐS có đơn vị còn kéo dài đến hết…tháng Giêng.

Còn nhớ đầu năm 2012, vẫn còn những cuộc trò chuyện, gặp mặt đầu năm theo kiểu động viên nhau giữa các ông chủ đơn vị kinh doanh BĐS và đối tác. Đầu 2013, lịch nghỉ tết của các sàn giao dịch BĐS có đơn vị còn kéo dài đến hết…tháng Giêng.

Ngày cuối tháng 2, dạo quanh những trung tâm quy tụ nhiều sàn giao dịch như Hoàng Đạo Thúy, Lê Văn Lương, Trung Hòa – Nhân Chính,…người viết đều nhận thấy một bầu không khí ảm đạm chung. Không còn những cái bắt tay, những lời xã giao hồ hởi chúc tụng nhau, hay thậm chí hầu như chẳng công ty địa ốc nào tổ chức cho nhân viên đi lễ hội trong cái tháng Giêng – tháng ăn chơi này. Thay vào đó, các sàn đều vẫn cửa đóng then cài. Có một vài sàn mở cửa sớm để lấy ngày may mắn, nhưng sau đó chỉ có một nhân viên bảo vệ “làm việc”. Cụ thể, 10h sáng ngày 28/2, sàn giao dịch BĐS TP trên đường Khuất Duy Tiến kéo dài vẫn chỉ mở phần cửa cuốn, còn bên trong không hề nhận thấy hoạt động của nhân viên công ty. Việc này được lý giải bởi 2 nguyên nhân. Thứ nhất, theo quy luật, đầu năm mới, các hoạt động mua bán bao giờ cũng rất thấp. Thứ hai, do thị trường vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc, nên hầu hết các sàn giao dịch, trung tâm môi giới bất động sản đều xác định phải qua rằm, hoặc hết tháng Giêng mới đi vào hoạt động. Do vậy, đầu năm, nhiều sàn cho nhân viên “tự do” đi chơi lễ hội.

Hoàng – nhân viên giao dịch của sàn BĐS Hải Phát “trải lòng”: hầu như những sàn giao dịch không có chức năng đầu tư (chỉ chuyên về môi giới, tư vấn, định giá) đều …nằm yên từ trong năm. Ngay cả những đơn vị có vốn tương đối khỏe như Hải Phát cũng không nằm ngoài vòng xoáy trầm lắng đó. Cảnh nhân viên các sàn sáng cà phê, chiều trà đá, tối về nhà bán trà đá hoặc đi làm thêm công việc khác là quá phổ biến. Nhiều sàn còn nghĩ ra cách để nhân viên tự lo cho mình thông qua việc không quản lý về thời gian có mặt tại công ty, mà chỉ quản lý bằng báo cáo theo tuần, thậm chí theo sản phẩm khoán. Hoàng cười buồn: Làm nhân viên môi giới của sàn BĐS là sướng nhất. Một cuốn sổ, một cây bút, “sang” hơn thì một cái laptop, vậy là đủ công cụ tác nghiệp cho một ngày làm việc tại quán cà phê (!). Tôi hỏi: vậy lương lậu có bị chậm hay giảm không? “Đương nhiên, nhân viên như chúng tôi buộc phải nghĩ cách làm thêm công việc khác: về mở quán nước, chung vốn bán quán cà phê, không có vốn thì đi làm bán thời gian như nhân viên trực điện thoại chẳng hạn. Chứ trông chờ vào tiền lương thì khó sống lắm” – anh này chia sẻ.

Tìm hiểu thông qua website của nhiều sàn giao dịch có tiếng tại Hà Nội cũng nhận ra sự sụt giảm về chất lượng phục vụ cũng như các tiện ích đi kèm. Trước kia, khi khách hàng truy cập vào bất cứ trang web chính thống của một đơn vị kinh doanh BĐS nào đó đều có những chuyên viên tư vấn online túc trực để phục vụ “thượng đế”. Nhưng thời điểm này, nếu tìm kiếm một sự tư vấn bất kỳ của bộ phận hỗ trợ trực tuyến của website sàn BĐS thì e rằng rất khó. Anh Minh, một người đang có nhu cầu mua một căn chung cư giá dưới 1,5 tỷ đồng đang rất băn khoăn để tìm cho mình một sản phẩm ưng ý vì thiếu sự tư vấn chuyên nghiệp. “Tôi vào nhiều website của các công ty tư vấn, sàn giao dịch BĐS mà hầu như không có hỗ trợ trực tuyến. Không ở tại Hà Nội nên việc tìm tới các sàn là rất khó, điện thoại thì bất tiện khi trao đổi nhiều vấn đề” – anh phàn nàn. Kiểm chứng vấn đề này, người viết đã vào website của 3 sàn giao dịch: Maxland, DTJ và Sudio (thuộc liên minh sàn giao dịch BĐS G5). Thông tin về giá cả, vị trí, tư vấn tiêu dùng tại các trang điện tử này đều khá nhiều và update. Nhưng đúng như vị khách hàng trẻ kia phàn nàn, các hỗ trợ trực tuyến của đội ngũ tư vấn kinh doanh đều không có. Chỉ có Maxland thì khá khẩm hơn là có phần hỗ trợ kỹ thuật &quảng cáo, web của DTJ thì xuất hiện số hotline nhưng gọi đến thì thường xuyên bận (?!). Rõ ràng, thời địa ốc sốt nóng thì điều này là dễ hiểu, nhưng khi BĐS lạnh lẽo, DN “đỏ mắt” tìm khách hàng mà không ra, thì tiện ích phục vụ lại bị thu gọn, thậm chí..bỏ qua. Đây chính là sự hời hợt, thiếu chuyên nghiệp đáng trách của đại bộ phận các DN BĐS đang trong quá trình vượt khó.

Khó khăn vẫn chất chồng, hàng tồn vẫn ứ lại, áp lực trả nợ vẫn đang đè nặng trên vai, nhưng trước khi những chính sách “cứu hỏa” của Chính phủ phát huy tối đa hiệu quả, mỗi DN hay biết cách tự cứu mình trước. Mà giữ được tính chuyên nghiệp thông qua cung cách phục vụ chu đáo khách hàng bằng những điều nhỏ nhặt nhất chính là điều quyết định sự phát triển bền vững của từng DN cũng như toàn bộ nền BĐS khi mọi thứ trở lại quỹ đạo kiểm soát được.

Theo Baoxaydung

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu