Giá cả bất động sản tại nhiều khu vực ở TP. Hà Nội đang tăng lên nhanh chóng và rất có thể có lý khi cho rằng, bong bóng bất động sản bắt đầu nổi lên ở thành phố này.
Đang có những phân tích khác nhau về bong bóng bất động sản ở Việt Nam do những tín hiệu trái chiều ở hai thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, cảnh báo vẫn được đưa ra một cách cẩn trọng.
Không có bong bóng bất động sản ở Việt Nam. Đó là khẳng định của ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Điều này dường như trái ngược với quan điểm của ông Vikram Nehru, Chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Đông Á của Ngân hàng Thế giới (WB).
Khi công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cách đây ít ngày, ông Nehru cho rằng, những dấu hiệu đáng ngại đã bắt đầu xuất hiện, khi mà ở một số thị trường, bong bóng tài sản, chứng khoán, nhà đất đã tăng lại.
Trong khi đó, theo phân tích của ông Nghĩa, ở TP.HCM, do cung lớn, cầu không mạnh, nên giá nhiều loại bất động sản hiện giảm xuống chỉ còn một nửa so với thời kỳ đỉnh điểm.
Trong tổng tín dụng bất động sản, riêng TP.HCM đã chiếm 51%, còn Hà Nội chỉ chiếm 14%. “Cung nhà ở gắn liền với tín dụng bất động sản, vì thế khó có thể có một cuộc bùng nổ nếu giá bất động sản ở TP.HCM vẫn giảm”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, điều này dường như chỉ có ý nghĩa ở TP.HCM nhiều hơn ở Hà Nội. Diễn biến trái chiều trên thị trường bất động sản TP.HCM và Hà Nội khiến không ít chuyên gia kinh tế băn khoăn.
Trên thực tế, giá cả bất động sản tại nhiều khu vực ở TP. Hà Nội đang tăng lên nhanh chóng và rất có thể có lý khi cho rằng, bong bóng bất động sản bắt đầu nổi lên ở thành phố này.
“Giá bất động sản đang tăng cao, vượt quá giá trị thực, mà phần lớn là do giới đầu cơ. Đây là điều cần được cảnh báo”, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đã khẳng định như vậy khi trao đổi với báo giới.
Cũng theo ông Long, hiện tượng giá tăng quá mức giá trị thực còn đang diễn ra trên thị trường chứng khoán. Mặc dù đã có nhiều phiên giảm điểm trong thời gian gần đây, song thị trường chứng khoán vẫn thuộc diện tăng khá nóng.
“Các doanh nghiệp vừa ra khỏi giai đoạn khó khăn, sản xuất - kinh doanh còn chưa ổn định, thì không có lý gì giá chứng khoán lại tăng cao như vậy. Thị trường tăng trưởng nhanh nhưng cũng phần lớn là do đầu cơ ngắn hạn”, ông Long phân tích.
Trong khi đó, bảo vệ quan điểm về việc không có bong bóng chứng khoán, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hiện nay, tất cả các ngân hàng đều tuân thủ rất tốt mức giới hạn 20% đối với cho vay chứng khoán.
“Tiền chảy vào chứng khoán có thể là thông qua kênh cho vay tiêu dùng. Cũng không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp vay tiền của ngân hàng, trong lúc chưa dùng tới thì lấy ra để kinh doanh chứng khoán trong ngắn hạn”, ông Nghĩa nói và phán đoán, có thể dân cư đã rút tiết kiệm, rút vốn kinh doanh vàng và bất động sản (do đầu tư trong lĩnh vực này đang có rủi ro cao) để đổ vào chứng khoán.
Trong khi đó, liên quan tới nghi vấn của dư luận về việc một lượng tiền kích cầu không nhỏ được chảy vào chứng khoán, ông Nghĩa cho rằng, số lượng này không lớn, việc trên thị trường chứng khoán luôn có một lượng tiền dồi dào chủ yếu là do hệ thống thanh toán đã được cải thiện.
“Nếu như trước đây, trong 1 tháng, 1 tỷ đồng chỉ có thể quay vòng được 3 lần, thì giờ đây, có thể lên tới 10-12 vòng, do vậy, lượng giao dịch trên thị trường đã nhiều hơn so với trước đây”, ông Nghĩa phân tích.
Cũng theo ông Nghĩa, mặc dù có ngày có cả chục ngàn tỷ đồng được đầu tư vào thị trường chứng khoán, nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ ở mức tương đối cao, vẫn thấp hơn thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Mặc dù vậy, ông Nghĩa cũng thừa nhận, phải cảnh giác với việc chứng khoán tăng trưởng nóng.
Rõ ràng, dù có bong bóng hay không, thì những cảnh báo về việc tăng trưởng nóng trên thị trường bất động sản Hà Nội, cũng như thị trường chứng khoán là điều rất cần được lưu tâm. Cẩn trọng không bao giờ là thừa.
(Theo Nguyên Đức/Đầu tư)