SearchNews

“Có hiện tượng cưa đôi, cưa ba giá đất”

20/04/2017 17:02

Để có thể triển khai được dự án, nhiều chủ đầu tư ở TP HCM phải chấp nhận chuyện “cưa đôi, cưa ba” tiền thẩm định giá đất.

Ngày 20-4, Đoàn công tác của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên – Môi Trường (TN-MT) đã làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) về một số kiến nghị về việc sửa đổi, chỉnh sửa Luật Đất đai 2013.

Tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết trước khi triển khai một dự án, doanh nghiệp phải đối mặt hàng loạt khó khăn về thủ tục. Cụ thể, mất từ 2-3 năm để làm giải quyết hồ sơ ở Sở TN-MT và Sở Tài chính cho việc xác định giá đất và thẩm định giá đất.

Theo đó, bước đầu tiên nộp hồ sơ đến Sở TN-MT để nhờ tính tiền sử dụng đất. Sau đó, được sở này chi ngân sách chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất thông qua hình thức đấu thầu trực tuyến. Do chi phí thực hiện lấy từ ngân sách nhà nước nên thường chọn đơn vị bỏ thầu rẻ nhất. Gần đây có trường hợp trúng thầu với giá 100.000 đồng.

Sau khi nhận tư vấn đánh giá dự án, để có tiền hoạt động, đơn vị trúng thấu chuyển sang làm khó chủ đầu tư và dẫn đến hiện tượng thương lượng "cưa đôi, cưa ba giá thẩm định đất".

“Có hiện tượng cưa đôi, cưa ba giá đất”
Ông Lê Văn Lịch, Phó tổng cục, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên -
Môi trường (đứng) làm việc với Hiệp hội BĐS TP HCM liên quan đến việc
kiến nghị sửa đổi Luật đất đai 2013.

“Vừa rồi, có một dự án chưa đến 1 ha nằm ở khu Nam Sài Gòn bị đơn vị tư vấn đó gây khó khăn và đòi xác định giá đất lên đến 80 tỉ đồng. Sau một hồi thương lượng cưa đôi, cưa ba thì đơn vị tư vấn hạ giá xuống còn hơn 10 tỉ đồng. Phần chênh lệch mỗi bên tự hưởng với nhau” - ông Châu dẫn chứng.

Cũng theo vị chủ tịch HoREA, khung giá đất và bảng giá đất ở TP HCM không phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Cụ thể, nơi được cho là khu “đất vàng” ở tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi (quận 1)… có giá thẩm định chỉ đạt 194,4 triệu đồng/m2. Trong khi đó, năm 2009 có một nhà đầu tư vì nhu cầu kinh doanh đã mua căn nhà cũ nát tại giao lộ Đồng Khởi - Nguyễn Huệ với số tiền 80 cây vàng/m2 (hơn 3,6 tỉ đồng/m2).

Điều này cho thấy bảng giá đất quy định của TP HCM quá thấp so với thị trường. "Tôi kiến nghị Chính phủ không ban hành khung giá đất, mà giao toàn quyền cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm và quyết định ban hành bảng giá đất cho địa phương" - ông Châu nêu vấn đề.

Ông Lê Văn Lịch, Phó tổng cục, Tổng cục Quản lý đất đai, ghi nhận toàn bộ những kiến nghị của ông Châu và sớm sẽ có những phản hồi, báo cáo để cơ chế quản lý đất đai phù hợp với sự phát triển tình hình hiện tại.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu