SearchNews

Cơ hội lớn cho bất động sản

13/08/2013 05:50

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách mở rộng đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà sẽ tạo cơ hội cho thị trường bất động sản giải quyết một phần hàng tồn kho

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách mở rộng đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà sẽ tạo cơ hội cho thị trường bất động sản giải quyết một phần hàng tồn kho

Xây dựng vừa đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm mở rộng đối tượng và nới lỏng điều kiện mua nhà đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng chính sách này sẽ kích thích một số phân khúc thị trường bất động sản “ấm” lên.


Xuất khẩu nhà ở tại chỗ

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mở rộng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài là chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu chính sách này được Chính phủ thông qua thì sẽ có không ít cá nhân nước ngoài, kiều bào nhảy vào thị trường bất động sản.

Người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam và kiều bào luôn có nhu cầu cao về nhà ở. Thế nhưng, 2 đối tượng này hiện không được phép sở hữu nhà ở, buộc phải nhờ người khác đứng tên mua nhà. Do đó, khi cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở sẽ triệt tiêu tình trạng nhà không chính chủ thường dẫn đến các tranh chấp. Ngoài ra, các quỹ đầu tư, ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài… cũng sẽ nhảy vào thị trường bất động sản.

PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng việc mở rộng đối tượng người nước ngoài mua nhà sẽ góp phần giải quyết tình trạng nợ xấu đang đè nặng lên nền kinh tế. Chủ đầu tư bán được sản phẩm sẽ trả được phần nào nợ ngân hàng. DN thi công dự án, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng vơi bớt một phần nợ nần.

Theo ông Trình, dù các cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể mua nhà để chờ giá lên rồi bán hoặc cho người khác thuê nhưng động thái đầu tư của họ sẽ góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. DN bán nhà cho người nước ngoài tức là đã xuất khẩu tại chỗ về nhà ở, tăng thêm nguồn cung ngoại tệ cho quốc gia, tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, kích thích kinh tế phát triển...

Tuy nhiên, nhiều DN bất động sản lo ngại nếu số lượng sở hữu nhà không bị hạn chế, các nhà đầu tư nước ngoài có thể dồn vốn vào bất động sản để nắm quyền kiểm soát thị trường. Chỉ cần vài tập đoàn quốc tế cỡ lớn liên kết với nhau, tung tiền thu gom khoảng 20.000 căn hộ là họ sẽ điều tiết được giá cả bất động sản tại Việt Nam.

Phân khúc nhà cao cấp sẽ “ấm” lên?

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại - Xây dựng Lê Thành, đồng tình với phương án mà Bộ Xây dựng đề xuất: Chỉ cho phép người nước ngoài sở hữu 2 căn nhà, tổ chức nước ngoài được mua không quá 30% số lượng căn hộ tại một chung cư hoặc không quá 250 căn nhà riêng lẻ.

“Sau khi hoàn tất giai đoạn thí điểm, các cơ quan quản lý sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm. Khi đó, nhà nước có thể tính tới việc nới rộng số lượng sở hữu nhà ở của người nước ngoài, giống như tỉ lệ góp vốn của nước ngoài tại các ngân hàng” - ông Nghĩa đề xuất.

Nhiều DN bất động sản dự báo khi điều kiện mua nhà của người nước ngoài được mở rộng, khả năng phân khúc nhà ở cao cấp sẽ sôi động bởi đối tượng này giàu tiềm lực tài chính và thường chọn lựa nhà ở chất lượng cao. Tuy vậy, giá cả nhà ở cao cấp sẽ không bị đội lên vì trong bối cảnh cung vượt cầu và thị trường tiếp tục trầm lắng, nếu chủ đầu tư “thổi” giá lên thì khách hàng sẽ không mua.

Ông Thân Đình Cường, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Công trình 585, cho biết nhiều năm trước, không ít kiều bào đã bỏ vốn đầu tư vào nhà ở cao cấp nhưng do không được đứng tên sổ hồng nên nguồn lực này có phần hạn chế. Nếu thời gian tới, nhà nước cho phép Việt kiều sở hữu 2 căn nhà hoặc nhiều hơn thì nhiều khả năng phân khúc nhà ở chất lượng cao sẽ khởi sắc.

Căn hộ tồn kho còn nhiều

Theo Bộ Xây dựng, tính đến đầu tháng 7-2013, có 27.805 căn hộ chung cư tồn kho, nhà thấp tầng là 15.007 căn, đất nền nhà ở 9.937.385 m2, đất nền thương mại khác 2.016.915 m2.

Bộ Xây dựng cũng dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến hết tháng 5-2013, tổng dư nợ cho vay bất động sản là 237.509 tỉ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2012; tỉ lệ nợ xấu bất động sản là 6,53% tổng dư nợ cho vay.


Theo nld.com.vn

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu