Các chung cư cũ ở Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)
Tại Hội thảo bàn về cơ chế để cải tạo chung cư cũ do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức ngày 4/4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, việc cải tạo chung cư cũ đã bàn nhiều, có không ít ý kiến thuyết phục, các giải pháp tưởng có vẻ khả thi nhưng diễn biến để hiện thực hóa lại vô cùng khó khăn.
Tại Hội nghị này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thông tin, trên địa bàn thành phố có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đa số đều hết niên hạn sử dụng. Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác điều tra xã hội học, xây dựng nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch tại 26 khu chung cư tập trung và 67 nhà chung cư độc lập. Tuy nhiên, đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng. Có 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại.
Ngày 30/9/2016, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 5621 giao cho 19 chủ đầu tư lập quy hoạch cải tạo chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ có chiều cao từ 2-6 tầng. Trong số các doanh nghiệp được giao triển khai, các tên tuổi lớn như các Tập đoàn Vingroup, Sungroup được giao cải tạo hàng trăm lô chung cư cũ. Tập đoàn Hòa Phát được giao 88 lô tại Khu tập thể Tân Mai. Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) được giao 67 lô tại Khu tập thể Thành Công đang làm nóng dư luận với đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công trong những ngày gần đây. Tập đoàn FLC cũng được giao tới 68 lô chung cư cũ tại Khu tập thể Kim Giang.
Trong danh sách này cũng có những chủ đầu tư từng dính vào kiện cáo với cư dân như Công ty cổ phần Địa ốc Sông Hồng, Tập đoàn Tung Shing.
Khi giao các doanh nghiệp thực hiện cải tạo chung cư cũ, UBND TP Hà Nội nêu rõ nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch chi tiết do các đơn vị này tự chủ động. Sau khi đồ án tổng thể quy hoạch chi tiết được phê duyệt, việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia sẽ thực hiện theo quy định. Đến giai đoạn này, thành phố sẽ xem xét, đảm bảo nguồn lợi mà các nhà đầu tư đã thực hiện.
Danh sách 19 chủ đầu tư được giao cải tạo chung cư cũ mà TP Hà Nội đã công bố cho thấy các doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên trên thực tế, quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu liên quan đến thỏa thuận đền bù, tái định cư giữa chủ dự án và người dân đang sinh sống tại các khu tập thể.
Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, khi cải tạo chung cư cũ nên linh động cho phép tăng mật độ dân số ở mức độ nhất định bằng cách cho phép tăng chiều cao (số tầng) của dự án. Mặt khác, có thể chuyển dự án cải tạo chung cư cũ thành dự án trung, cao cấp để tận dụng vị trí, bù đắp chi phí tài chính mà không tăng mật độ dân số quá cao, tránh việc thay chung cư cũ bằng chung cư mới xây nhưng chất lượng thấp do thỏa thuận với người dân về diện tích mà không cam kết rõ về chất lượng và mức độ hoàn thiện.