UBND huyện Lý Sơn cho biết, đất nông nghiệp trên địa bàn đang bị "thổi giá". Một số người dân Lý Sơn và cá nhân trong ngoài, tỉnh mua đất nông nghiệp với giá hấp dẫn, từ 1,5-2 triệu đồng/m2 khiến nhiều người sẵn sàng bán đất sản xuất.
|
Tại huyện Lý Sơn, giá bán đất nông nghiệp đang ở mức 1,5-2 triệu đồng/m2.
(Ảnh minh họa) |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, bà Phạm Thị Hương, nhiều hệ lụy sẽ phát sinh nếu giá đất nông nghiệp bị đẩy lên mức quá cao. Hệ lụy đầu tiên là việc bồi thường giải phóng mặt bằng trên tại huyện đảo sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, về dài hạn, người dân sau khi bán đất cũng gặp khó khi không còn đất sản xuất.
Bà Hương thông tin: "Quy định bồi thường chỉ 60 ngàn đồng/m2, trong khi giá giao dịch bên ngoài lên đến 1,5-2 triệu đồng/m2. Do đó, nhiều dự án trên địa bàn huyện đang vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngay cả dự án phục vụ đời sống tâm linh như mở rộng di tích Lăng Tân cũng đang vướng. Hiện còn 3 hộ không đồng ý bàn giao mặt bằng, đất nông nghiệp nhưng họ yêu cầu phải bồi thường 1 triệu đồng/m2".
|
Để ngăn chặn tình trạng thổi giá đất nông nghiệp, chính quyền huyện Lý Sơn sẽ siết chặt công tác quản lý sử dụng đất đai. |
Nhằm giải quyết thực trạng nêu trên, chính quyền huyện Lý Sơn yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan rà soát và tăng cường quản lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cũng theo chỉ đạo của UBND huyện Lý Sơn, các cá nhân mua đất nông nghiệp cần phải ký cam kết chấp nhận mức bồi thường theo giá nhà nước đối với trường hợp thuộc diện thu hồi đất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nhấn mạnh: "Giá đất ở tại Lý Sơn đang ở mức cao, do đó nhiều cá nhân mua đất nông nghiệp rồi tìm cách chuyển đổi để thu lợi. Tuy nhiên, huyện sẽ siết chặt hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, tiến đến hạn chế tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện".