Đề xuất bãi bỏ thủ tục công chứng đối với 7 loại hợp đồng về nhà ở của Bộ Xây dựng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, với những luồng ý kiến trái chiều.
Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề xuất những nội dung sửa đổi Luật Nhà ở nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan. Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 93 theo hướng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực đối với 7 loại hợp đồng (HĐ) gồm: mua bán nhà ở, đổi nhà ở, tặng cho nhà ở, thế chấp nhà ở, thuê mua nhà ở, thuê nhà ở của tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản, thuê nhà ở của cá nhân và hộ gia đình có thời hạn cho thuê dưới 6 tháng.
Giảm thủ tục
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường - đã bày tỏ sự ủng hộ đề xuất của Bộ Xây dựng. Theo GS Võ, các văn phòng công chứng là cơ quan giúp người dân thực hiện đúng tất cả những quy định pháp lý đối với những HĐ, giao dịch có giá trị lớn, trong đó có bất động sản, hẹp hơn nữa là nhà ở. Công chứng HĐ về nhà ở có cái lợi lớn nhất là hạn chế rủi ro cho các bên tham gia giao dịch. Tuy nhiên, cái bất lợi là thêm thủ tục.
Hiện có 2 cơ quan tham gia quá trình thực hiện hợp đồng nhà đất là công chứng và văn phòng đăng ký nhà đất. Nếu chúng ta quan niệm tất cả HĐ còn có thủ tục đăng bộ tại cơ quan quản lý chuyên ngành thì có lẽ bãi bỏ công chứng là được, không nhất thiết phải có hai cơ quan đảm trách việc này như hiện nay. Công chứng không thể làm được việc đăng bộ vì đây là chuyên ngành, tốt nhất là giao cho cơ quan chuyên ngành nhưng phải bắt buộc cơ quan quản lý phải có trách nhiệm giúp người dân xác nhận tính pháp lý của HĐ, tránh rủi ro do tính không phù hợp với pháp luật của HĐ gây ra.
“Tôi ủng hộ đề xuất của Bộ Xây dựng nhưng cơ quan quản lý phải làm thêm phần việc của công chứng”, ông Võ bày tỏ. Về vấn đề phải điều chỉnh, sửa đổi các luật liên quan, ông Võ cho rằng điều này không quá khó, nếu quyết tâm thì sẽ làm được.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cũng đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng. Ông Nghiêm cho rằng về cơ bản cả hai công tác công chứng và đăng bộ đối với thủ tục nhà đất đang làm những công việc tương tự, chồng chéo nhau. Đó là đều kiểm tra tình trạng pháp lý của giấy tờ, tình trạng nhân thân, ý chí của các bên mua bán... “Do đó, tôi cho rằng nên xem xét bỏ một trong hai công đoạn trên sẽ giúp đơn giản hóa đáng kể thủ tục, rút ngắn thời gian cũng như chi phí cho người dân”, ông Nghiêm nói.
Lo phát sinh rủi ro
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này không khả thi, thậm chí sẽ dẫn tới việc triệt tiêu tính “phòng hờ” của hoạt động công chứng và nảy sinh nhiều hệ lụy, tăng rủi ro cho các bên tham gia giao dịch.
Ông Chu Văn Khanh - Trưởng văn phòng công chứng A1 (Hà Nội) - nói: “Giao dịch nhà đất là loại giao dịch tài sản lớn, nếu không có sự phòng hờ, khi xảy ra sai sót sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cá nhân hoặc tổ chức tham gia thực hiện giao dịch”. Ông Khanh cũng cho rằng hiện dịch vụ công chứng đã phát triển, việc thực hiện công chứng khá thuận lợi và nhanh chóng, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ có thể giải quyết xong ngay, thậm chí chỉ trong vòng 1 ngày. Khâu công chứng vì vậy cũng không phải là thủ phạm chính gây ra sự chậm trễ trong quá trình cấp sổ đỏ cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Ông Khanh lưu ý một khó khăn nữa để thay đổi quy định liên quan đến công chứng HĐ mua bán nhà là cùng lúc sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều luật như: Luật Công chứng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Bộ luật Dân sự.
Ông Nguyễn Quang Thắng - Trưởng phòng Công chứng số 1 TP.HCM nói: “Bộ Tư pháp còn đặt ra cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, thì hà cớ gì lại phải bỏ qua công chứng khi giao dịch? Nếu không có cơ quan này rủi ro sẽ rất cao, ngành tòa án sẽ chịu áp lực rất lớn vì không có người để giải quyết tranh chấp”.
(Theo TNO)