Giám đốc một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại khu An Phú (quận 2, TP.HCM) cho biết, so với giai đoạn 2015-2018, năm 2020 là năm nhiều thách thức nhất. Do đó, thay vì chiến lược bành trướng, công ty sẽ tập trung vào mục tiêu thận trọng vượt khó. Rào cản lớn đối với thị trường bất động sản năm 2020 là những bất ổn pháp lý, thị trường tiếp đà giảm tốc, tâm lý ngại rủi ro từ giới đầu tư...
Theo CEO này, trong năm 2020, công ty sẽ duy trì từ 50-60 nhân sự. Tuy nhiên, chi phí sẽ được tối ưu, đồng thời cải thiện hiệu suất. Lãnh đạo doanh nghiệp cho hay: "Chúng tôi sẽ tinh gọn bộ máy và kiểm soát các chi phí cố định sao cho hiệu quả nhất, không mở rộng đầu tư đại trà và chi tiêu chặt chẽ hơn".
Giám đốc một công ty địa ốc khác có trụ sở tại khu Nam Sài Gòn tiết lộ, đơn vị chia năm 2020 thành 2 chu kỳ ngắn: Nửa đầu năm phòng thủ, nửa cuối năm "tùy cơ ứng biến". Cụ thể, đối với 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hạ mục tiêu doanh số, chỉ đạt mức bình quân thấp nhất trong nửa thập kỷ gần đây, đồng thời thu hẹp quy mô. Hiện tại, 15% nhân sự của doanh nghiệp đã tự chủ động cắt giảm để chuyển sang ngành nghề khác. Kế hoạch này của công ty nhằm ứng phó với kịch bản 6 tháng tới rất khó bán hàng, eo hẹp về doanh thu, thị trường sẽ khởi động vào nửa cuối năm song rất chậm.
|
Trong bối cảnh thị trường giảm tốc, pháp lý bất ổn, tâm lý ngại rủi ro... các doanh nghiệp địa ốc buộc phải cắt giảm chi tiêu, thu hẹp bộ máy. (Ảnh: Internet) |
Tương tự, chủ tịch HĐQT công ty địa ốc có trụ sở tại quận 3 (TP.HCM) cho hay, năm 2020 sẽ là năm đầy khó khăn, chông gai nên doanh nghiệp dự tính bán bớt cổ phần tại các công ty thành viên để thu hồi tiền, xử lý nợ. Công ty đang đối mặt với áp lực lãi vay khi nhiều dự án bị chậm trễ khâu giao đất. Trước thực trạng này, doanh nghiệp chọn giải pháp khẩn cấp cho 12 tháng tới là thu hồi vốn tại công ty liên kết, có thể bán bớt tài sản nhằm xử lý nợ.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á, thị trường địa ốc suốt năm vừa qua liên tục giảm tốc nên khó có được kịch bản tươi sáng hơn trong 12 tháng tới. Hầu hết các công ty bất động sản đều tiên lượng trước điều này và có sách lược vượt khó. Đây cũng có thể là đợt tự sàng lọc quy mô lớn của doanh nghiệp địa ốc.
Trong năm nay, các doanh nghiệp buộc phải tính tới việc cắt giảm chi tiêu, "thắt lưng buộc bụng" khi không có hàng để bán hoặc không bán được hàng, doanh số thấp, cộng thêm việc trả lãi vay cho các dự án đang dang dở. Để có thể tồn tại, doanh nghiệp sẽ đào thải bớt nhân sự, chỉ giữ lại đội ngũ nhân sự chất lượng cao, giảm ngân sách marketing, thu hẹp chi phí tuyển dụng.
Dẫn báo cáo mới nhất của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ KH&ĐT), ông Hạnh cho biết, lĩnh vực địa ốc trong năm 2019 có tới 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động. So với cùng kỳ năm liền trước, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng 39,4% với 696 doanh nghiệp. Chuyên gia này dự báo: "Nhiều khả năng số lượng các doanh nghiệp địa ốc rời thị trường sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2020".