SearchNews

Đua giành thị phần địa ốc Đông Nam bộ

20/03/2010 12:21

Các tỉnh láng giềng cách TP HCM 1-2 giờ đồng hồ đi ôtô như Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu, đang dồn dập bung dự án nhà ở quy mô lớn.

Các tỉnh láng giềng cách TP HCM 1-2 giờ đồng hồ đi ôtô như Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu, đang dồn dập bung dự án nhà ở quy mô lớn.

Giá nhà đất thấp hơn nhiều TP HCM, khoảng cách đi về giữa Sài Gòn và các tỉnh được rút ngắn hơn trước đây kèm theo tiến độ hạ tầng diễn ra dồn dập, đang là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của các thị trường địa ốc ven Sài Gòn như Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu.

Ba địa phương này đang tạo thành thế chân vạc, mở màn cho cuộc đua giành thị phần giữa những thị trường địa ốc mới nổi. Cuộc đua tìm khách hàng, nhà đầu tư giữa 3 tỉnh thành mới bắt đầu nhưng đang diễn ra với tốc độ nhanh và dồn dập. 70% thành phần chủ chốt của giới đầu tư bất động sản tham dự thị trường này đều đến từ TP HCM.

Chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho khu Mỹ Phước 1-2-3-4 từ 3 năm nay, trong năm 2010, tỉnh Bình Dương tiến đến việc tung thêm dự án quy mô lớn là Thành phố mới Bình Dương rộng hơn 1.000 ha. Với dự án này, tỉnh kỳ vọng sẽ tung ra thị trường nhiều sản phẩm đa dạng và kêu gọi đầu tư cho khu siêu đô thị với hàng loạt các sản phẩm bất động sản: chung cư, nhà phố, nhà liên kế, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, trường học các cấp, trung tâm hành chính mới...

Được xem là địa phương nổ phát súng đầu tiên cho cuộc đua giành thị phần địa ốc, cuối quý I, thị trường nhà đất Bình Dương chuyển sang giai đoạn cân bằng sau cơn lốc giảm giá rồi đứng giá 2008-2009. Điều khiến giới chuyên môn bất ngờ là dù giao dịch còn ít nhưng Bình Dương lại bắt đầu có động thái tăng giá. Đơn cử như dự án Green River (60 ha, khu đô thị Mỹ Phước 4), giai đoạn 1 đưa ra thị trường 350 nền trước Tết với giá 1,8-2,8 triệu đồng mỗi m2, nay đột ngột tăng giá 10%. Hai dự án chuẩn bị tung hàng ở thị trường Bình Dương và được kỳ vọng trong quý II là Green River và Gold Town.

Đồng Nai tuy tham gia đường đua chậm hơn Bình Dương, nhưng năm 2010 tỉnh đã lên chiến dịch rầm rộ mở đường cho những dự án đô thị mới. Trong cuộc đua này, Đồng Nai là một trong những tỉnh thành "mặn mà" với các dự án bất động sản sinh thái. Số lượng và quy mô các dự án đô thị mới làm đối trọng với Sài Gòn tại Đồng Nai dự kiến sẽ sánh ngang tầm với khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng tại quận 7, TP HCM. Đó là khu đô thị Phước Hưng có tổng diện tích 286 ha; khu đô thị Aquacity rộng 304 ha; khu đô thị Waterfront quy mô 366 ha; khu dân cư Long Hưng 227 ha; khu dân cư Giang Điền 529 ha.

Ngoài ra, các doanh nghiệp địa ốc tại Đồng Nai còn tung ra những khu dân cư quy mô nhỏ và trung bình như: Phú An (11,5 ha), Tam Phước (18 ha); cù lao Tân Vạn (45 ha), khu dân cư Tân Biên (126 nhà phố và 22 vila), dự án căn hộ Quang Vinh (0,89 ha)...

Trong cuộc đua, Vũng Tàu không ồn ào phô trương hình ảnh mà âm thầm xúc tiến hàng loạt dự án nghỉ dưỡng gần biển, rừng, suối nước nóng còn khá hoang sơ, ít dấu chân khai phá của cuộc sống ồn ào hiện đại, để làm "hàng độc" hút khách TP HCM, Hà Nội và Việt kiều.

Năm 2010 Vũng Tàu hẹn sẽ trình làng những khu nhà mẫu của các dự án nghỉ dưỡng có tổng vốn đầu tư lên hàng chục thậm chí hàng trăm triệu USD. Những sự án được chờ đợi của Vũng Tàu gồm: Hồ Tràm Strip, Sant Simeon, Côn Đảo resort. Mới đây, Công ty Kim Tơ cũng đầu tư gần 700 tỷ đồng cho 2 dự án nghỉ dưỡng. Trong đó, dự án khu biệt thự suối nước nóng Bình Châu và tổ hợp chung cư dịch vụ thương mại Ocean View Manor dịch vụ thương mại đều tận dụng lợi thế biển, suối nước nóng và rừng bao quanh dự án.

Tổng giám đốc Công ty bất động sản Song Phát Trần Tấn Phát nhận định: “Cuộc đua của 3 địa phương này để giành thị phần thực tế khá cân sức, tạo thế chân vạc vững chãi để phục vụ nhu cầu đầu tư đa dạng của khách hàng”.

Theo ông Phát, Bình Dương đang trong tư thế sẵn sàng xông trận, Đồng Nai chạy đua ráo riết bung dự án để đón gió hạ tầng còn Vũng Tàu khá nhàn nhã vì là địa bàn duy nhất phía Nam có thế mạnh còn nhiều khu vực hoang sơ, thích hợp phát triển du lịch biển, rừng, suối mục đích nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, ông Phát khuyên nhà đầu tư khi đổ tiền vào bất động sản ở những thị trường mới nổi cần cân đong đo đếm dòng vốn, tính toán thời gian chôn vốn vì không thể đòi hỏi tính thanh khoản mạnh trong khi giá sản phẩm khá “mềm”.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Sài Gòn nhà đất (Saigon Land) Lê Quang Hàng cho biết, hiện giá đất tại TP HCM quá đắt đỏ, vượt khả năng tích lũy và chi trả của đại đa số người mua nhà. Trong khi đó, các tỉnh xung quanh là láng giềng của TP HCM lại có giá đất rẻ, vì vậy, thị trường mới nổi hấp dẫn trước tiên vì giải được bài toán cấp bách về giá cả.

Hơn thế nữa, các tỉnh xung quanh TP HCM có hạ tầng được quy hoạch và phát triển theo hướng hoàn thiện hơn trong tương lai, hầu như các địa phương này đều có hệ thống đường xá được mở rộng, nâng cấp và thậm chí đến cả đường cao tốc cũng được tính đến trong quy hoạch. Nhờ có những động thái tích cực về hạ tầng mà khoảng cách từ TP HCM đến các tỉnh láng giềng này được rút ngắn đáng kể.

Theo ông Hàng, mấu chốt của vấn đề là giá cả và khoảng cách, các doanh nghiệp địa ốc, nhà đầu tư đều đã đánh hơi được điều này từ rất sớm nên không lạ khi đồng loạt địa phương lần lượt nổ ra những cuộc chạy đua về hạ tầng và thi nhau tung sản phẩm địa ốc.

Do TP HCM đang quá tải về dân số và thiếu quỹ đất phát triển nhà ở nên việc hình thành những khu đô thị vệ tinh xung quanh Sài Gòn là định hướng phát triển lâu dài và sẽ trở thành xu hướng mở trong vài năm tới. Ông Hàng cho rằng yếu tố hấp dẫn của việc đem tiền đầu tư vào bất động sản vùng ven hoặc các tỉnh láng giềng TP HCM là triết lý bỏ trứng vào nhiều rổ để chia nhỏ rủi ro và phân tán sự tập trung nguồn vốn vào một nơi.

(Theo Vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu