Cho tới nay, hàng trăm căn biệt thự mọc lên trái phép ở Ba Vì vẫn đang không rõ số phận sẽ ra sao. Chỉ trong một thời gian ngắn, khi bất động sản nghỉ dưỡng núi rừng sốt lên, hàng loạt dự án đã được chủ đầu tư vẽ ra, sau đó xây dựng và bán cho người dân. Giá mỗi căn biệt thự không hề rẻ lên tới cả hàng tỷ đồng.
Các dự án đều thực hiện dưới hình thức góp vốn, hoặc các cá nhân chuyển nhượng rồi giao một công ty xây dựng. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc, người mua nhà mới ngã ngửa vì dự án không được cấp phép, xây dựng trong khu vực đất rừng.
Nhiều đơn vị dùng cách trưng sổ đỏ để hút người mua
Theo khảo sát, một số dự án đầu tiên trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã cấp sổ đỏ cho người mua nhà, ví dụ như dự án Flamingo Đại Lải Resort. Theo chủ đầu tư, đến tháng 9 tới, sẽ có hơn 100 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt mới được trao, tương đương 95% các chủ biệt thự đã hoàn thiện thủ tục. Trước đó, hơn 40 biệt thự trong khu resort cũng đã nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Thế Điệp, đại diện doanh nghiệp chia sẻ, tâm lý người dân, nhà đầu tư luôn chọn mua các dự án BĐS có sổ đỏ. Nhà đầu tư đã mua rồi nhưng không được cấp sổ đỏ, chủ đầu tư phải điều chỉnh dự án từ đất sinh thái sang đất nhà ở để bán. Hiện nay còn hàng trăm hàng nghìn dự án như vậy đang tồn tại cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý.
Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ chính sách và Pháp chế - Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường), cho biết, việc sử dụng đất để thực hiện các dự án BĐS nghỉ dưỡng phải căn cứ vào quy hoạch, có mục đích sử dụng. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, UBND cấp có thẩm quyền mới được cho thuê đất để thực hiện dự án.
Theo quy định của pháp luật đất đai, nếu dự án có quy hoạch chi tiết được duyệt, phân thành các khu chức năng mà mục đích sử dụng đất phù hợp với phân loại đất của Luật Đất đai, khi chủ đầu tư có nhu cầu thì được cấp giấy chứng nhận theo từng thửa đất chức năng.
Theo phân tích của bà Vân Anh, rất có thể, nhiều dự án biệt thự nghỉ dưỡng sẽ không được cấp sổ đỏ. Trong khi đó, đối với những người mua nhà, đây là một yếu tố rất quan trọng. “Nhiều khách hàng của khu BĐS nghỉ dưỡng đang có sự nhầm lẫn, cho rằng các dự án này như là các dự án nhà ở để bán. Đối với các dự án này, nếu đủ điều kiện theo quy định thì được chuyển nhượng từng phần hoặc toàn bộ dự án cho chủ đầu tư thứ cấp để tiếp tục kinh doanh theo đúng dự án và quy hoạch được duyệt”, bà Vân Anh cho biết thêm.
Đánh giá về tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhận định, về bất động sản nghỉ dưỡng, các bất động sản ở ven biển hay vùng núi việt nam có nhiều điểm hấp dẫn và đều có tiềm năng phát triển như nhau.
Tuy nhiên, trong việc phát triển BĐS nghỉ dưỡng có chịu ảnh hưởng của tốc độ phát triển BĐS nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung. Chính vì vậy, trong thời kỳ khủng hoảng BĐS 2008-2013, BDS nghỉ dưỡng cũng bị trầm lắng theo.
Vấn đề khác là BĐS nghỉ dưỡng đòi hỏi khắt khe hơn đối với chủ đầu tư. Không phải chủ đầu tư nào muốn có vị trí đẹp đều phát triển được BĐS nghỉ dưỡng, mà họ phải có năng lực đầu tư, năng lực quản lý mới phát triển thành công.
Ở Việt Nam, việc phát triển BĐS nghỉ dưỡng ở vùng núi hiện đang được các chủ đầu tư rất quan tâm. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã công bố quy hoạch phát triển khu du lịch Đà Lạt, ở ngoài Bắc có Sapa, khu vực miền Trung, các khu vực có nhiều hang động, Tây Nguyên... đây sẽ là những điểm BĐS du lịch phát triển mạnh mẽ.