Theo một số chuyên gia, sang năm 2009 và 2010, thị trường cho thuê mặt bằng sẽ giảm nhiệt do nhiều dự án trung tâm thương mại lớn hoàn thành. Nhưng năm nay, giá thuê của phân khúc thị trường này vẫn còn tăng do cung chưa đủ cầu.
Số dự án xây dựng trung tâm thương mại sẽ khai trương trong năm 2008 chỉ đếm trên đầu ngón tay trong lúc đó thị trường bán lẻ đã rất nhộn nhịp. Nhiều thương hiệu lớn đã xuất hiện như Parkson, Escada, KFC, Pizza Hutz… và chuẩn bị có mặt đã đẩy giá thuê mặt bằng tăng cao. Dự kiến, giá sẽ còn tăng nữa cho đến khoảng đầu năm 2009. Doanh thu và lợi nhuận đem lại từ trung tâm thương mại rất cao trong khi giá cho thuê tại các trung tâm thương mại luôn có xu hướng tăng. Theo dự đoán của Công ty CBRE thì giá thuê trung bình tầng trệt của các trung tâm thương mại ở vị trí đắc địa năm 2008 vào khoảng 200 USD một m2 mỗi tháng.
Với chỉ một số dự án như Royal Centre sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7 tới, Saigon Happiness Square và Saigon Paragon đi vào sử dụng vào cuối năm 2008 chắc chắn không thể đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay. Ở Hà Nội, mới chỉ có Viet Tower vừa được khai trương, còn lại, các dự án lớn ở Hà Nội cần kể đến như Ciputra Mall, Hanoi City Complex... Trung tâm Thương mại Ciputra Mall được xem là hiện đại và đẹp nhất Hà Nội với tổng diện tích 130.000 m2 sàn với khoảng 1.200 gian hàng và 48 nhà hàng, cafe, siêu thị... vẫn trong quá trình xây dựng.
Các công ty tư vấn bất động sản đều cho rằng, sự mất cân đối về cung cầu là nguyên nhân dẫn đến giá cho thuê tăng lên chóng mặt. Nguồn cung tất cả các loại bất động sản như văn phòng, căn hộ, mặt bằng bán lẻ và khách sạn đều hạn chế, trong khi nhu cầu đang tăng nhanh mà bằng chứng rõ rệt nhất là các công ty tư vấn đều có danh sách dài dằng dặc các khách hàng cho nhu cầu thuê mặt bằng. Hầu hết các toà nhà cho thuê tại Hà Nội và TP HCM hiện đều đã kín chỗ, trong khi đó, nguồn cung mới lại rất hạn chế, đặc biệt, do giá thành xây dựng tăng 30-40%, nên khá nhiều dự án bị đình trệ.
Phải đến năm 2010 với hàng chục các trung tâm thương mại lớn đi vào hoạt động như Saigon Palace (tại TP HCM) và Ciputra Mall, Hanoi City Complex (tại Hà Nội)... nhu cầu thị trường mới tạm thời đáp ứng được phần nào. Theo đó, TP HCM sẽ có hơn 100.000 m2 diện tích sàn dành cho trung tâm thương mại tập trung đang được quy hoạch hoặc đang xây dựng. Hà Nội sẽ có tới 250.000 m2 sàn dành cho cùng mục đích trên. Khi những sự án lớn như thế này đi vào hoạt động có thể sẽ góp phần cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng bán lẻ và giá thuê cao như hiện nay.
Trong một nghiên cứu về Văn phòng cho thuê trên thế giới 2008 (Office Space Across the World 2008) do Hãng Cushman&Wakefield (Mỹ) thực hiện mới đây cũng chỉ ra rằng, hiện nay giá thuê văn phòng tại Việt Nam đang giữ vị trí thứ 7 tại châu Á -Thái Bình Dương và thứ 17 thế giới trong bảng xếp hạng các quốc gia có giá cho thuê văn phòng đắt nhất. Nghiên cứu này cho rằng nguồn cung mới về văn phòng tại Việt Nam ở tất cả các hạng sẽ tăng lên nhanh chóng từ năm 2009. Đồng thời, sự gia tăng nguồn cung này sẽ giúp giá cho thuê văn phòng giảm nhiệt. Lúc đó giá cho thuê sẽ trở nên hợp lý trong điều kiện thị trường cung và cầu cân bằng.
Với làn sóng các dự án đang được xây dựng sẽ làm giảm nhẹ phần nào nhu cầu đang ngày một tăng với các mặt bằng kinh doanh bán lẻ lớn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi đến thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ (năm 2009) được dự đoán là các nhà kinh doanh bán lẻ Việt Nam và nước ngoài đang tranh nhau tìm kiếm mặt bằng có chất lượng.
Theo xếp hạng chỉ số bán lẻ toàn cầu của AT Kearney năm 2007, Việt Nam đứng thứ 4 sau Ấn Độ, Nga, Trung Quốc với tổng mức bán lẻ vượt trên 45 tỷ USD trong năm 2007 (tăng 27% so với năm trước). Thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng do phần lớn là dân số trẻ, năng động và sẵn sàng chi tiêu. Đến tháng 1/2009, theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho các công ty kinh doanh 100% vốn nước ngoài… và các thành phố lớn chính là “địa chỉ” hàng đầu tại Việt Nam mà các nhà bán lẻ nước ngoài đã và đang “nhắm” tới – đó là một trong những nguyên nhân khiến giá văn phòng cho thuê Việt Nam khó “kìm hãm”. |
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)