Kế hoạch điều chỉnh giá đất trên địa bàn thành phố năm 2007 vừa được công bố. Theo đó, khung giá đất tại Hà Nội cơ bản vẫn được giữ nguyên so với năm 2006. Thành phố chỉ điều chỉnh một số mức giá đối với đất ở và đất sản xuất.
Đất ở tại đô thị của Hà Nội được áp khung giá tối thiểu 1,5 triệu và tối đa 54 triệu đồng/m2. Đất ở tại các khu dân cư nông thôn có mức giá tối đa 1,5 triệu đồng/m2. Như vậy, giá đất ở tại Hà Nội năm 2007 về cơ bản vẫn được giữ theo quyết định duyệt giá đất năm 2004 của HĐND TP.
Tại các quận Hoàng Mai, Long Biên và khu vực ngoại thành (vùng giáp ranh, thị trấn, các đường giao thông chính), giá đất cũng ít được điều chỉnh để khuyến khích phát triển sản xuất ra ngoại thành. Giá đất nông nghiệp được quy định bằng mức tối đa khung giá đất của Chính phủ, do vậy vẫn được giữ nguyên. Giá đất tại các quận nội thành cũng được giữ ổn định.
Thành phố có 4 đường phố được điều chỉnh nhiều về giá đất. Theo đó, đất tại đường Ỷ Lan và đường Ngô Xuân Quảng, Gia Lâm, được điều chỉnh tăng giá cho phù hợp với mặt bằng chung của khu vực. Đất tại đường vành đai I, đoạn Kim Liên - Ô chợ Dừa mới được đầu tư, xây mới cũng sẽ được quy định khung giá. Có thêm một số tuyến đường mới từng được hoàn thành trong năm 2006 nhưng đến kỳ họp này của HĐND mới được đưa ra đặt tên. Trong số những tuyến đưòng mới của Hà Nội có các phố Nguyễn Hiền, Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Thiêm.
Khu vực ngoại thành Hà Nội cũng có ít thay đổi về khung giá đất. Chỉ có 3 xã ngoại thành là Phú Thị (Gia Lâm), Nguyên Khê (Đông Anh) và Yên Mỹ (Thanh Trì) được điều chỉnh. Theo đó, giá đất tại Phú Thị và Nguyên Khê được điều chỉnh tăng để phù hợp với mặt bằng khu vực. Giá đất tại Yên Mỹ sẽ giảm theo mức giá giáp ranh.
Năm 2006, giá đất tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội được điều chỉnh theo hướng giảm giá, trong đó giá đất tại gần một nửa số xã của Sóc Sơn giảm 15-20%, có giá 120.000 -1,5 triệu đồng/m2. Năm 2007, mức giá này vẫn sẽ được duy trì.
Năm 2006 đạt dưới 50% kế hoạch sử dụng đất
Theo UBND TP Hà Nội, năm 2006 thành phố chỉ hoàn thành 46% kế hoạch sử dụng đất đề ra trước đó. Tỷ lệ sử dụng đất ở đô thị chỉ đạt 57% và đất sử dụng cho các công trình công cộng đạt 52%. Đặc biệt, đất khu công nghiệp đứng chót bảng về tỷ lệ sử dụng khi chỉ đạt 11%.
Một số dự án sử dụng diện tích lớn của thành phố như Khu đô thị Tây Hồ Tây (50 ha), hay khu du lịch sinh thái Sóc Sơn cũng chưa kịp thực hiện trong năm 2006.
Nguyên nhân việc Hà Nội sử dụng được diện tích đất nhỏ hơn rất nhiều so với kế hoạch, đại diện UBND TP cho hay, các quy định về giá đất có nhiều mâu thuẫn, như đồng thời yêu cầu tuân thủ khung giá và vẫn phải sát giá thị trường, khiến thành phố và chủ đầu tư khó áp dụng.
Người bị thu hồi mặt bằng yêu cầu được đền bù theo giá thị trường, nhưng thị trường bất động sản chưa hình thành đầy đủ, khung giá đất chưa theo kịp thị trường. Do vậy, theo vị đại diện này, các khiếu nại ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
Một loạt dự án tại Hà Nội cũng không kịp triển khai trong năm do không đủ điều kiện để được giao đất. Theo quy định mới, chủ đầu tư chỉ được giải phóng mặt bằng khi đã chuẩn bị được quỹ nhà, quỹ đất tái định cư. Đồng thời, nhiều chủ đầu tư thiếu vốn nên cũng không được giao đất.
Theo tính toán sơ bộ, năm 2006 Hà Nội thu khoảng 3.700 tỷ đồng từ sử dụng đất, cho thuê đất và các loại thuế đất. Sang năm 2007, thành phố dự kiến thu về hơn 3.000 tỷ đồng từ sử dụng đất.
Ngọc Châu