|
Chỉ một vài tin đồn về hạ tầng, dự án, cũng là cái cớ để giới đầu cơ đất đai thổi giá. ẢNH: ĐÌNH SƠN |
Tăng vì… sắp lên quận
Trước tết, chị Nguyễn Thị Bình nhà ở đường Nữ Dân Công, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh mua 2 lô đất diện tích 160 m2, với giá 440 triệu đồng. Hai lô đều là đất nông nghiệp, mua bán bằng giấy tờ tay nhưng đến nay đã có những người trả chênh lệch khoảng 100 triệu đồng/lô. Hằng ngày người đến hỏi mua đất liên tục, giá cũng nhấp nhổm liên tục theo chiều hướng tăng. Đáng nói, hợp đồng mua bán đất của chị Bình chỉ có thông tin bên bán đất, thông tin bên mua để trống. Kèm theo hợp đồng mua bán đất bằng giấy tay là sổ đỏ khu đất, chứng minh nhân dân vợ chồng bên bán, hộ khẩu, tất cả chỉ được sao y bản chính. Cùng khu đất này còn có 5 hợp đồng mua bán giấy tờ tay khác. Theo giải thích của chị Bình, những người mua chủ yếu là dân đầu tư nên hợp đồng với chủ đất để trống thông tin bên mua, khi bán lại người có nhu cầu có thể điền tên mình vào đó. “Miếng đất đã sang tay 5 người, đến tôi là thứ 6. Hiện có người đã trả chênh lệch 100 triệu đồng/lô nhưng tôi chưa bán vì đất đang sốt, người mua rất nhiều, chờ một thời gian nữa chắc chắn giá còn cao hơn”, chị Bình chắc chắn.
Bà Thúy Diễm, chuyên môi giới nhà đất khu vực Vĩnh Lộc A, cho biết đất ở Bình Chánh liên tục tăng giá 2 năm nay, nhưng tăng mạnh nhất là khi có thông tin sắp lên thành quận. Mỗi ngày từ sáng đến tối có rất nhiều người xuống Bình Chánh lùng mua đất khiến các chủ đất đẩy giá tăng cao. Không chỉ chủ đất mà ngay cả “cò” đất cũng hét giá trên trời để hưởng chênh lệch. Mặc dù vậy đất vẫn bán đắt như tôm tươi. Người mua bất chấp đó là đất gì, miễn có đất là mua. Có lô đất một ngày sang tay 2 lần, chênh lệch gần cả trăm triệu đồng. “Anh mua đất ở Bình Chánh đi, mai mốt lên quận tha hồ hốt bạc. Nếu giờ không mua sau này tăng giá sẽ không còn cơ hội đâu”, bà Diễm hối thúc.
Cũng bởi thông tin nâng cấp thành quận, giá đất ở huyện Hóc Môn còn tăng mạnh hơn. Theo khảo sát của chúng tôi, so với thời điểm cuối năm 2016, giá đất thời gian gần đây đã tăng hơn 30%. Có một thực tế đang diễn ra tại huyện Bình Chánh và Hóc Môn là đất nông nghiệp được người dân tự phân lô bán "lụi" bằng giấy tờ tay với diện tích khá nhỏ nhưng tình hình giao dịch vẫn rất xôm tụ. Tình trạng xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp cũng vì thế diễn ra tràn lan. Thông tin lên quận cùng với chính sách cho phép hợp thức hóa nhà đất mua bán bằng giấy tờ tay là cái cớ giúp giới đầu cơ đất đai thổi giá đất tăng cao.
Ăn theo dự án “khủng”
Nếu tại Bình Chánh, Hóc Môn thông tin lên quận khiến giá đất tăng vọt thì tại Củ Chi, Cần Giờ giá đất lại bị thổi bùng trước đề xuất làm dự án "khủng" của một số doanh nghiệp.
Tại huyện Củ Chi, bình quân trước đây đất nông nghiệp được sang nhượng chỉ khoảng mấy trăm ngàn đồng/m2 thì sau khi có thông tin làm đường ven sông nối trung tâm TP với huyện này và “siêu” đô thị do Tập đoàn Tuần Châu đề xuất giá đã tăng lên khoảng 1 triệu đồng/m2, có nơi gần dự án Safari Sài Gòn giá tăng đến 3 triệu đồng/m2. Giá đất ở đây “nóng như lửa”, chỉ sau 1 - 2 ngày giá chào bán đã “vọt” lên mức cao hơn bất chấp có người mua hay không.
Theo chân một “cò” đất tên Quang, chúng tôi ghé vào đường Nguyễn Thị Rành, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi bảng rao bán đất nông nghiệp nhan nhản khắp nơi từ hàng rào, trụ điện đến các cây ven đường. Nếu trước đây giá bán khoảng 90 triệu đồng/m ngang thì nay đã tăng lên 120 - 130 triệu đồng, thậm chí những khu đất ở các góc đường lên đến 150 - 170 triệu đồng/m ngang. "Cò" Quang nói với chúng tôi, nếu bây giờ không mua, giá đất sẽ còn tăng nữa bởi hiện nay các nhà đầu tư khắp nơi tìm về đây, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Hà Nội ráo riết săn lùng đất để đầu tư, lướt sóng.
Tại huyện Cần Giờ sau khi có thông tin làm cầu Bình Khánh nối trung tâm TP với huyện Cần Giờ và đặc biệt là việc Tập đoàn Tuần Châu muốn đầu tư dự án 1.400 ha, Tập đoàn Vingroup làm siêu dự án lấn biển, “cò” đã đẩy giá đất tăng vọt. Khu vực qua phà Bình Khánh nếu trước đây đất nông nghiệp khoảng 3 - 4 triệu đồng/m2 thì nay đã bị đẩy lên hơn 10 triệu đồng/m2.
Đất đang bị đầu cơ, làm giá
Điều đáng lo ngại là rất nhiều người đang đổ tiền lao theo cơn sốt đất từ các tin đồn về dự án, về quy hoạch, về nâng cấp huyện lên quận. Có những người còn liều lĩnh, vay nóng đầu tư để kiếm lời. Những người này rất dễ bị sập bẫy tin đồn rồi chôn vốn vô thời hạn bởi giới đầu cơ đã gom đất từ trước, sau khi thổi giá, kích thích tâm lý đám đông… họ sẽ đẩy hàng, bỏ túi khoản lợi nhuận kếch sù rồi rút lui. Còn dự án có làm hay không, huyện có được nâng thành quận hay không... thì những người vào sau cứ việc đợi.
Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh khuyến cáo không thể chạy theo tin đồn mà đầu tư theo kiểu bầy đàn, dễ dàng bị dính bẫy của giới đầu cơ nhà đất chuyên nghiệp. “Không hùa theo tâm lý đám đông... mà phải nghiên cứu kỹ, dự liệu nhiều phương án, tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn độc lập để có thêm kiến thức trước khi mua. Không sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao (quá 50%) phòng khi thị trường thay đổi trở tay không kịp. Cần đi thực tế dự án, không mua bất động sản trên giấy hoặc nghe theo “cò” đất mà “xuống tiền” ngay. Đặc biệt phải nâng cao kiến thức, học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu đầu tư và giao dịch những bất động sản có giá trị từ nhỏ đến lớn”, ông Chánh đưa ra lời khuyên.
Thực tế thời gian qua cho thấy đã có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân “chết chìm” vì chạy theo tin đồn khi “ném” tiền vào TP mới Bình Dương, các khu đô thị Mỹ Phước (Bình Dương) hay Nhơn Trạch (Đồng Nai) khi những nơi này công bố trở thành các siêu đô thị, là trung tâm hành chính mới, TP vệ tinh... nhưng thực tế đến nay vẫn là các TP hoang vắng người ở. Mua được, nhưng bán ra không ai mua, thậm chí bán lỗ cũng khó.
Mới đây, lãnh đạo TP đã chính thức xác nhận huyện Bình Chánh chưa đủ điều kiện lên quận; trong khi đó các siêu dự án vẫn mới chỉ là đề xuất. Do đó người dân, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước những lời chào mời ngon ngọt của “cò” đất.