Theo ông Đính, trong tình hình khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh và dịch vụ bất động sản cần phải nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa và chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất. Điều này cũng đồng nghĩa sản phẩm đưa ra thị trường cần tăng chất lượng và giảm giá thành.
Doanh nghiệp phát triển bất động sản nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm.
Đối với các sàn giao dịch bất động sản, ông Đính cho rằng cần nâng cấp hệ thống công nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh cùng với đó là cấu trúc lại bộ máy, hệ thống quản trị nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Các sàn giao dịch cũng cần tổ chức các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp đội ngũ nhân viên môi giới; duy trì các hoạt động marketing để giữ vững khách hàng tại thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng phát triển. Bên cạnh đó, các sàn cần có giải pháp để chăm lo và hỗ trợ đội ngũ nhân viên của công ty, không nên bỏ mặc nhân viên trong bối cảnh khó khăn chung của toàn xã hội.
Ông Đính nhấn mạnh, để sớm ổn định và đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững, các sàn giao dịch cần kiên quyết không vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho các dự án ma, dự án không phù hợp quy định pháp luật.
Đối với các cá nhân môi giới bất động sản, cần tranh thủ trong khoảng thời gian nghỉ dịch bệnh để hoàn thiện kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao chất lượng nghề nghiệp, nâng cao giá trị bản thân.
|
Trong tình hình khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh và dịch vụ bất động sản cần phải nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy. Ảnh minh họa. |
Đối với Chính phủ, Tổng thư kí Hội môi giới BĐS Việt Nam kiến nghị 6 vấn đề nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của thị trường thời điểm hiện tại.
Một là, đưa các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản vào nhóm đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ đã phê duyệt vì nhóm này thực chất chịu tác động và ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Hai là, trực tiếp và thực chất hơn các khoản hỗ trợ cho các sàn giao dịch và môi giới bất động sản như: Hoãn tiền thuê đất cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, từ đó, các doanh nghiệp này sẽ hoãn tiền thuê đất cho các sàn giao dịch bất động sản thuê lại mặt bằng; hoãn tiền phải nộp bảo hiểm xã hội cho đến hết dịch bệnh và sau khi hết dịch 12 tháng để doanh nghiệp có thêm nguồn hỗ trợ và trả lương cho người lao động; tiếp cận được nguồn vay từ ngân hàng để trả một phần lương cho nhân viên và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ba là, để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, cần xem xét lại việc quy định người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo hướng mở rộng tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại các dự án nhà ở thuộc phân khúc cao cấp (phân khúc này ít phù hợp nhu cầu trong nước mà phù hợp với nhu cầu của người nước ngoài nhiều hơn). Hiện nay, phân khúc này đang có lượng hàng tồn kho ở mức cao, động thái trên sẽ góp phần tăng tính thanh khoản và giảm lượng hàng tồn kho trên thị trường.
Bốn là, chỉ đạo các tỉnh, thành phố quyết liệt hơn nữa trong việc vận dụng những biện pháp tháo gỡ của Chính phủ đối với các nội dung vướng mắc trong quy định pháp luật để đẩy nhanh quy trình giải quyết thủ tục cho các dự án bất động sản, làm tăng nguồn cung cho thị trường và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Năm là, Chính phủ cần sớm phê duyệt chính sách bù lãi suất và thúc đẩy các ngân hàng cho vay vốn để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Chắc chắn sau dịch bệnh, nếu chúng ta phát triển mạnh xây dựng nhà ở xã hội sẽ giúp nền kinh tế sớm phục hồi.
Sáu là, đối với quản lý nhà nước tại các địa phương cần tăng cường kiểm soát nhằm hạn chế hiện tượng dự án ma, dự án không đúng quy định pháp luật và đặc biệt không để xảy ra hiện tượng tạo thị trường ảo để trục lợi như ở Thạch Thất (Hà Nội), Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian qua.
>> Kế hoạch ứng phó Covid-19 cho doanh nghiệp bất động sản
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/04/08/go-nut-that-cho-thi-truong-bat-dong-san-viet-nam-giua-dich-covid/
Theo Tạp chí Thanh niên