Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội không khuyến khích xây nhà ở xã hội giá rẻ ở các khu đô thị do điều kiện nguồn lực đất đai, nhu cầu địa phương.
Ông nhận định thế nào về mô hình nhà ở 100 triệu đồng tại Bình Dương? Hà Nội có thể làm được nhà ở xã hội giá 100 triệu đồng không, thưa ông?
Quả thực thời gian vừa qua, thông tin nhà ở 100 triệu đồng tại Bình Dương rất gây chú ý, quan tâm của dư luận xã hội. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu thông tin này từ khi nó còn là mô hình kiểu mẫu. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có điều kiện về nguồn lực và nhu cầu khác nhau về nhà ở xã hội. Chẳng hạn, tại Bình Dương, quỹ đất sạch còn khá nhiều, nền đất cũng khá ổn định, có thể xây nhiều nhà thấp tầng cấp III (khoảng 4-5 tầng) mà không cần mất nhiều khâu gia cố móng, tối giản về công nghệ, tiện ích…
Chính vì thế, giá thành xây dựng chỉ khoảng 5 triệu đồng/m2. Với mô hình như vậy, tôi khẳng định Hà Nội hoàn toàn có thể làm được nhà ở 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cần nhìn lại điều kiện quỹ đất xây nhà ở xã hội hiện nay còn rất ít, không thể triển khai xây nhà ở thấp tầng. Đó là chưa kể hầu hết nguồn đất xây nhà ở xã hội được dành ra từ 20% quỹ đất khu đô thị. Các dự án nhà ở xã hội cũng phải đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn, chất lượng của quy hoạch đô thị. Do vậy, tại các khu đô thị, Hà Nội không khuyến khích việc xây nhà xã hội giá rẻ.
Hà Nội không khuyến khích xây nhà 100 triệu đồng tại các khu đô thị, song tại các khu công nghiệp trên địa bàn thì sao? Nhu cầu nhà ở giá rẻ của công nhân hiện nay ra sao, thưa ông?
Đúng là Hà Nội cần phải quan tâm tới nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, mức giá bao nhiêu thì cần phải nghiên cứu sao cho giá thành thấp nhất, song vẫn phải đảm bảo hiệu quả của dự án. Chủ trương phát triển nhà ở công nhân của Hà Nội tới đây sẽ áp dụng hình thức xã hội hóa, gắn với trách nhiệm của các ban quản lý khu công nghiệp.
"Nguồn cung nhà ở xã hội của Hà Nội hiện nay vẫn rất thấp so với nhu cầu. Nếu chỉ trông chờ vào quỹ đất 20% tại các khu đô thị thì không thể đáp ứng thực tiễn. Vì thế, thành phố đang chủ trương dành khoảng 250 ha đất làm quy hoạch chi tiết cho 5 khu nhà ở xã hội tập trung. Mục tiêu tới năm 2020 sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho hơn 11.800 hộ gia đình”.
Thực tế, chủ các khu công nghiệp trên địa bàn hiện nay đều nhìn thấy khó khăn khi phát triển quỹ nhà ở cho công nhân, không chỉ ở vốn đầu tư mà ngay cả việc tìm đầu ra. Không phải công nhân nào cũng có nhu cầu mua nhà; Còn nếu cho thuê lại rất khó thu hồi vốn. Vì vậy, sắp tới, Hà Nội có thể phải tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu nhà ở công nhân để lên kế hoạch triển khai đáp ứng.
Hiện, Hà Nội có 4 dự án nhà ở công nhân được đầu tư bằng ngân sách gồm: Kim Chung, huyện Đông Anh; Dự án nhà ở công nhân KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ; Dự án khu nhà ở công nhân Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam; Dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH Young Fast tại KCN Thạch Thất, Quốc Oai. Đây đều là những dự án nhà ở công nhân cho thuê. Mặc dù giá thuê khá rẻ, nhưng theo tôi được biết, công nhân tại một số khu công nghiệp lại không mặn mà vào ở.
Ví như tại Dự án nhà ở công nhân KCN Phú Nghĩa, có tổng diện tích gần 4ha, song mới chỉ xây được 1 tòa nhà đáp ứng cho khoảng 800 người, nhưng tới nay cũng chưa được lấp đầy. Nguyên nhân một phần do tâm lý ngại bị quản lý chặt; Một phần do đa số công nhân tại đây lại là dân địa phương nên không có nhu cầu thuê trọ.
Nhà ở xã hội ngoài giá rẻ cũng cần có tiêu chuẩn, chất lượng của quy
hoạch đô thị (Trong ảnh: Nhà ở xã hội Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên,
Hà Nội) - Ảnh: Minh Tuấn
Mặt bằng chung giá nhà ở xã hội hiện nay tại Hà Nội vẫn còn khá cao so với người thu nhập thấp, trung bình ở mức 700-800 triệu đồng/căn. Theo ông, thời gian tới có thể giảm giá thành hơn nữa?
Tại Hà Nội, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đều đang được xây theo cấp I, trên 20 tầng, nhằm tiết kiệm nguồn lực đất đai. Với cấp nhà này, suất đầu tư vốn trung bình theo quy định của Bộ Xây dựng đã hơn 10 triệu đồng/m2, chưa kể nhân thêm với hệ số tầng hầm, giá thành sẽ phải đội lên. Vì thế, với công nghệ, vật liệu hiện nay, giá nhà ở xã hội rất khó có thể rẻ hơn. Do vậy, Chính phủ đã quyết định đưa ra những gói tín dụng hỗ trợ người mua nhà. Sau gói 30.000 tỷ đồng, tới đây sẽ triển khai gói lãi suất thấp 4,8%. Tới thời điểm này, nghị định thông tư hướng dẫn thực hiện gói tín dụng trên đã có đủ, chỉ chờ Chính phủ bố trí vốn cho ngân hàng chính sách.
Khi tiếp xúc với các DN bất động sản, chủ đầu tư, họ đều cho biết sẵn sàng tham gia xây nhà ở xã hội giá rẻ, với điều kiện chính quyền địa phương hỗ trợ ở mức tối đa, không chỉ về đất đai mà còn bằng cả ngân sách? Vậy, Hà Nội đã hỗ trợ việc xây nhà xã hội như thế nào?
Chủ đầu tư nhà ở xã hội tại Hà Nội được áp dụng tất cả các chính sách hỗ trợ như: Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; Được vay vốn ưu đãi… Riêng với việc hỗ trợ kinh phí thì chưa thể làm được bởi ngân sách vẫn trong giai đoạn khó khăn, cần phải ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chung cho cả thành phố.
Cảm ơn ông!