SearchNews

Hải Phòng cải tạo chung cư cũ theo hình thức BT

25/04/2017 14:33

Hải Phòng có hàng chục dự án cải tạo chung cư cũ sẽ thực hiện đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BT). Điều này cho thấy chủ trương mời gọi nhà đầu tư tư nhân nhằm thu hút thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ cấp bách này của Thành phố.


Ảnh: Internet
 
Tuy nhiên, qua 2 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, có thể thấy còn nhiều việc phải làm để tăng tính hấp dẫn, sự cạnh tranh cho các dự án sắp được triển khai.

Những nhà đầu tư đầu tiên

Theo Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 3/4/2017 của UBND TP. Hải Phòng, Dự án Đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ U1, U2, U3 Lê Lợi, quận Ngô Quyền do Sở Xây dựng Hải Phòng mời thầu vừa lựa chọn được nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy. Dự án thực hiện tại đường Lê Lợi, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng.

Quy mô xây dựng gồm phá dỡ 3 tòa chung cư cũ U1, U2, U3; xây dựng lại 2 tòa chung cư 6 tầng trên diện tích đất xây dựng 1.370 m2 với diện tích sàn xây dựng 2 tòa là 8.668 m2; xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà bao gồm cả mở rộng ngõ số 25 Lê Lợi, đảm bảo phòng cháy chữa cháy và di chuyển các cột điện. Đồng thời, xây dựng 2 chung cư mới gồm 126 căn hộ có diện tích từ 38,6 m2 - 46,9 m2.

Công trình dự kiến khởi công trong tháng 4/2017, thực hiện đầu tư trong năm 2017 - 2018, bàn giao trước ngày 30/11/2018. Hình thức hợp đồng được áp dụng là hợp đồng BT với tổng mức đầu tư khoảng 109,6 tỷ đồng.

Được biết, Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy cũng chính là nhà đầu tư đề xuất dự án. Công ty có địa chỉ tại quận Lê Chân, TP. Hải Phòng, vốn điều lệ 3.629 tỷ đồng. Công ty này đã niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán là TCH. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016, chi phí xây dựng cơ bản dở dang trong quý III của Công ty phát sinh 211 triệu đồng cho Dự án Xây dựng chung cư tại Lê Lợi - TP. Hải Phòng. Điều này cho thấy, Hoàng Huy đã theo đuổi dự án này từ khá sớm.

Năm 2016, dự án xây dựng chung cư cũ đầu tiên theo hình thức BT được thực hiện tại Hải Phòng là Dự án Xây dựng lại chung cư U19 Lam Sơn. Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng đã được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện Dự án. Tổng mức đầu tư của dự án này vào khoảng 36,5 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng lại chung cư U19 Lam Sơn được khởi công đầu tháng 11/2016. Dự án Xây dựng lại chung cư cũ U1, U2, U3 Lê Lợi dự kiến tháng 4/2017 khởi công, nhưng hiện vẫn còn vướng giải phóng mặt bằng một số hộ dân không sống tại chung cư cũ, nhưng nằm trong vùng quy hoạch phải di dời.

Chưa xác định cụ thể quỹ đất đối ứng   

Theo một nguồn tin từ Sở Xây dựng Hải Phòng, Thành phố có trên 20 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thực hiện theo hình thức BT, trong đó có 2 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư. Theo tính toán, tổng mức đầu tư cho cả hai việc sửa chữa đầu tư và xây dựng chung cư mới lên tới hơn 15 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền mà ngân sách địa phương không thể cân đối được, nên Sở Xây dựng đã lập phương án áp dụng hình thức BT trong cải tạo, xây mới chung cư cũ.

Một cán bộ Văn phòng Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết, năm nay Thành phố cố gắng khởi công 15 dự án BT, trong đó có dự án cải tạo chung cư cũ Đổng Quốc Bình, chung cư cũ Lê Lai, Ngã ba Kiến An,… Sắp tới, có nhiều dự án chung cư cũ quy mô lớn, phải tổ chức sơ tuyển quốc tế.

Theo một nguồn tin từ đơn vị tư vấn cho Sở Xây dựng Hải Phòng, cả 2 dự án cải tạo chung cư cũ U1, U2, U3 Lê Lợi và U19 Lam Sơn đã lựa chọn được nhà đầu tư nêu trên, nhưng đến nay quỹ đất đối ứng để thanh toán cho nhà đầu tư vẫn chưa được xác định, phê duyệt cụ thể.

Được biết, danh sách các khu đất BT đã được Sở Xây dựng cùng các sở, ngành liên quan lập, báo cáo UBND Thành phố tại văn bản liên ngành số 762/LCQ ngày 27/3/2017. Tổng diện tích đất đưa vào BT là 671 ha, ước tính quỹ đất có thể khai thác 238 ha, tương đương 11.921 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, nguồn tin từ đơn vị tư vấn cho biết, Thành phố chưa phê duyệt danh mục chi tiết quỹ đất dành thanh toán cho từng dự án BT.

Điều này có thể hiểu là khi đầu tư vào 2 dự án chung cư trên, cả Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy và Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng đều chưa thực sự nắm rõ mình sẽ được thanh toán bằng quỹ đất nào.

Theo một chuyên gia, việc chưa xác định được quỹ đất đối ứng khi tổ chức đấu thầu sẽ khiến các nhà đầu tư khác e ngại, không yên tâm tham gia đấu thầu dự án, từ đó làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu. Có lẽ, chỉ có những nhà đầu tư đã “theo đuổi” dự án từ đầu và có tiềm lực hay mối quan hệ nhất định mới dám tham gia vào những cuộc thầu chưa thật rõ phương án hoàn vốn.

Và thực tế, tại 2 dự án U19 Lam Sơn và U1, U2, U3 Lê Lợi, dù được tổ chức đấu thầu rộng rãi, nhưng đều chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia và sau đó trúng thầu.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu