SearchNews

Hàng loạt dự án bỏ hoang: Do chính quyền ì ạch, chủ đầu tư “nhờn luật”

07/06/2017 08:21

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu chính quyền TP. Hà Nội vào cuộc quyết liệt hơn thì sẽ không có tình trạng dự án BĐS bị bỏ hoang hàng loạt.

đến nay dự án bị bỏ hoang.
Sau gần 10 năm triển khai, đến nay dự án KĐT Kim Chung-Di Trạch
(huyện Hoài Đức) có quy mô trên 140 ha vẫn bị bỏ hoang.

Dự án BĐS bỏ hoang: Vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Đức Trung, phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều dự án KĐT và dự án phát triển nhà ở đã được phê duyệt từ những năm 2006-2008 nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau hiện vẫn trong tình trạng dang dở, thậm chí bị bỏ hoang. Ông Trung đã nhiều lần tham dự các cuộc họp với các sở, ban, ngành để đốc thúc tiến độ các dự án trên nhưng đâu vẫn vào đấy. “Đây là những dự án do cấp TP phê duyệt, giao đất cho các nhà đầu tư. Với thẩm quyền của huyện thì chúng tôi chỉ có thể đề xuất, kiến nghị với các cấp của TP”, ông Trung nói.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, sau gần chục năm triển khai mà những dự án tại các huyện vùng ven Hà Nội như tại Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất… vẫn bị bỏ hoang là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về đất đai. Bởi tất cả các dự án khi chủ đầu tư xin thực hiện thì đều có quy định cụ thể là trong thời gian bao nhiêu lâu sẽ khởi công dự án, nếu không thực hiện sẽ bị thu hồi.

“Sự dễ dãi này bộc lộ 2 vấn đề. Thứ nhất là khả năng quản lý của chúng ta kém. Thứ hai là có sự tồn tại lợi ích nhóm. Có lợi ích nhóm ở đó nên mới có chuyện có nhà đầu tư sau khi có đất rồi họ không làm mà sang tên chuyển nhượng để kiếm tiền gấp 3 lần giá trị ban đầu”, ông Tùng phân tích.

Theo ông Tùng, cần khẩn trương thu hồi và xử phạt thật nặng đối với những chủ đầu tư không tái khởi động lại dự án. Theo tôi, Hà Nội phải làm tích cực vấn đề này và phải thu hồi bằng được những dự án bỏ hoang như vậy. Chủ đầu tư nào để dự án bỏ hoang thì cần có quy định theo hướng không cho họ thực hiện dự án tại Hà Nội nữa. Đây không chỉ là sự lãng phí về tiền bạc mà còn gây ra nhiều hệ lụy phức tạp khác về xã hội”, ông Tùng nhấn mạnh.

Lý giải về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng cho rằng, đây là hậu quả của quá trình “sốt” nóng phê duyệt dự án. Các KĐT mới này là hệ quả của việc phê duyệt quy hoạch dự án tràn lan dự án, không tính đến nhu cầu thực tế, đặc biệt nhiều khu được xây dựng và phát triển chưa phù hợp với đời sống của người dân.

Thẩm định dự án…cho đủ thủ tục?

Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. Hà Nội cho biết, quy trình thẩm định, phê duyệt một dự án đầu tư KĐT mới qua rất nhiều bước gồm: trình UBND TP thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư; sau đó TP sẽ ban hành văn bản giao các sở, ngành (Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường…) cho ý kiến. Tiếp theo Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ tổng hợp ý kiến và trình UBND TP xem xét phê duyệt.

Trả lời câu hỏi tại sao hàng loạt dự án KĐT qua nhiều lần thẩm định vẫn chỉ bỏ hoang cỏ mọc? Một cán bộ của Sở Kế hoạc - Đầu tư Hà Nội nói: “Nhiều dự án BĐS bỏ hoang đã được phê duyệt trước khi Hà Nội mở rộng, về trách nhiệm thì cần tính đến yếu tố thời điểm. Tuy nhiên, tôi cho rằng về hiệu quả đầu tư của dự án, đây là một nội dung quan trọng cần phải thẩm định nhưng trên thực tế rất khó đánh giá được chính xác vì còn phụ thuộc vào thị trường, chính sách, quy hoạch… Nói đúng ra là chúng ta hiện mới chỉ kiểm soát được dự án về mặt thủ tục còn vấn đề hiệu quả thì chủ yếu là mới chỉ theo phương án của chủ đầu tư. Đây cũng là bất hợp lý của Luật Đầu tư”.

Cần những giải pháp mạnh để xử lý tình trạng dự án BĐS bỏ hoang

Lãnh đạo huyện Hoài Đức cho rằng, các dự án KĐT và dự án phát triển nhà ở đều do cấp TP phê duyệt. Đây đều là những dự án có quy mô lớn với tổng mức đầu tư lớn. “Ai cũng biết những dự án bỏ hoang, thực hiện dang dở để lâu năm sẽ tạo ra những hệ lụy, thậm chí gây phản cảm. Thậm chí một số dự án vẫn còn nợ tiền sử dụng đất, TP cũng đã có biện pháp giao cho ngành thuế truy thu, yêu cầu chủ đầu tư cam kết thời hạn nộp thuế, nếu không thực hiện đúng hạn sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một dự án nào được thu hồi do triển khai chậm”, vị lãnh đạo huyện Hoài Đức chia sẻ.

Ông Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cho rằng, tình trạng nhiều dự án KĐT và dự án phát triển nhà ở tại các huyện ngoại thành, ven Hà Nội bị bỏ hoang kéo dài trong nhiều năm qua đã gây nhiều bức xúc cho người dân tại địa phương.

“Bản thân doanh nghiệp thực hiện dự án cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng công tác giải quyết của chính quyền cũng rất chậm. Theo tôi đã đến lúc TP không thể tránh né mãi mà phải phân loại các dự án, phân rõ trách nhiệm giải quyết những vướng mắc. Đâu là nguyên nhan từ phía nhà đầu tư, đâu là từ phía chính quyền, các sở ngành. Vì nếu cứ để mãi tình trạng này thì rất xót xa”, ông Hoạt nói.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu