SearchNews

Khơi vốn đầu tư vào dự án địa ốc

24/09/2009 13:52

Để có thêm nguồn vốn đầu tư vào bất động sản, cần phát triển nhiều kênh huy động khác từ ngoài ngân hàng.

Để có thêm nguồn vốn đầu tư vào bất động sản, cần phát triển nhiều kênh huy động khác từ ngoài ngân hàng.

Trước thực tế nhu cầu về bất động sản (BĐS) tăng nhanh, trong khi các doanh nghiệp (DN) lại thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, Hiệp hội BĐS Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo "Khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển thị trường BĐS" tại TP.HCM nhằm tìm giải pháp tối ưu cho việc giải quyết vấn đề này.

Ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, bình quân mỗi năm, nước ta cần đến 37,5 triệu m2 nhà ở đô thị với nhu cầu vốn lên đến 562.000 tỷ đồng, đó là chưa kể nguồn vốn phát triển cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Chỉ tính riêng về nhu cầu nhà ở xã hội, ước tính mỗi năm cả nước có khoảng 7 triệu người có nhu cầu với diện tích nhà ở lên tới 150 triệu m2 sàn, với nhu cầu vốn đầu tư khoảng từ 300.000 đến 400.000 tỷ đồng.
 
Trong những năm qua, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách để thu hút các nguồn vốn cũng như nhiều giải pháp để tạo vốn cho thị trường BĐS, song so với nhu cầu thực tế thì nguồn vốn cho thị trường vẫn còn nhiều hạn chế.
 
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House) - DN được xem là thành công và có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề huy động vốn, nhận xét:
 
Việc huy động vốn đối với DN BĐS ở Việt Nam là một thách thức lớn, đặc biệt là bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài vốn chủ sở hữu của DN, có nhiều giải pháp huy động vốn như phát hành trái phiếu DN; vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các quỹ đầu tư; huy động vốn từ khách hàng; liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước và các quỹ tín thác BĐS (REIT)...
 
Theo ông Hiếu, mỗi hình thức huy động vốn trên đều có những thế mạnh và điểm yếu riêng. Chằng hạn, hình thức huy động vốn từ phát hành cổ phiếu có ưu điểm là tập trung và huy động được nguồn vốn rất lớn từ xã hội, giảm được chi phí huy động vốn do tiếp cận trực tiếp với nhà đầu tư, tăng độ tín nhiệm của DN... Song nhược điểm là chịu áp lực cao từ cổ đông, nhà đầu tư về kỳ vọng, tình hình hoạt động sản xuất -kinh doanh; giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi các thông tin liên quan đến DN, quan hệ cung - cầu và tình hình thị trường.
 
"Dù vậy thời gian qua, Thu Duc House đã thành công bằng kênh huy động vốn từ hình thức này. Thu Duc House đã tăng vốn điều lệ từ 15 tỷ lên 252,5 tỷ đồng; tăng vốn chủ sở hữu từ 15 tỷ lên 1.010,9 tỷ đồng; phát hành cổ phiếu ra thị trường 4 lần, huy động khoảng 500 tỷ đồng từ công chúng", ông Hiếu cho biết và nhấn mạnh, việc lựa chọn giải pháp nào cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi DN và theo đà phát triển của thị trường là điều rất quan trọng.
 
Ông Ken Atkinson, Công ty Grant Thronton (chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán, tư vấn tài chính DN) cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới, DN đầu tư kinh doanh BĐS được thụ hưởng từ nhiều nguồn vốn khác nhau của các đơn vị, tổ chức như: ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, các khoản vay thứ cấp để đảm bảo cho công trình đang xây dựng, khách hàng ứng tiền trước, tập đoàn đầu tư BĐS; quỹ hưu trí ...
 
Trong khi đó, ở Việt Nam, ngân hàng vẫn là kênh cung cấp vốn truyền thống, còn các hình thức huy động vốn khác chưa có hoặc nếu có thì hoạt động rất hạn chế. Bên cạnh đó ở Việt Nam, để vay được vốn từ ngân hàng, DN cũng gặp nhiều khó khăn, vì người vay vốn phải đảm bảo bằng tài sản thế chấp, còn ở nước ngoài, ngân hàng cho vay chủ yếu dựa vào năng lực tài chính của DN, chỉ cần nhìn vào bảng cân đối tài chính của DN mà ngân hàng quyết định cho vay hay không mà không cần đến tài sản thế chấp:
 
"Điều này có yếu tố là ngân hàng dễ gặp rủi ro, nhưng lại rất thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc tìm nguồn vốn", ông Ken Atkinson nhận định.
 
Theo đại diện nhiều DN, một yếu tố khác khiến DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn là việc triển khai một dự án BĐS thường kéo dài nhiều năm nên rất cần nguồn vốn vay trung và dài hạn, trong khi đó, nguồn vốn của ngân hàng cho các DN vay hiện nay chủ yếu là ngắn hạn. Điều này khiến cho DN bị áp lực lớn trong việc trả lãi.
 
Để tháo gỡ vấn đề này, ngân hàng, tổ chức tín dụng nên xem xét cho các DN được vay nguồn vốn trung và dài hạn, đồng thời, Nhà nước cần đưa ra khung pháp lý cho các hình thức huy động vốn khác như trái phiếu DN, Quỹ tín thác BĐS...

(Theo Đầu tư)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu