Giá bán ki ốt trên thị trường thứ cấp tăng mạnh
Các ki ốt thuộc dự án HH Linh Đàm có mức tăng giá mạnh nhất trên thị trường mua bán. Với lượng tòa nhà cao gấp đôi và quy mô dân số gấp 6 lần khu đô thị Đại Thanh, những ki ốt này có mức chênh cực khủng trên thị trường thứ cấp. Khi mới mở bán cách đây khoảng 4 năm, ki ốt HH Linh Đàm có giá gốc tầm 28-30 triệu đồng/m2. Nhà đầu tư chi khoảng 1-2,5 tỷ đồng là có thể sở hữu ki ốt rộng từ 30-70m2. Tuy nhiên, hiện giá bán các ki ốt đã tăng lên gấp 2, gấp 3 lần.
Kết quả khảo sát của phóng viên cho thấy, trong những năm qua, giá bán ki ốt có xu hướng tăng dần. Đầu năm 2016, giá bán ki ốt đã ở mức 45-50 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 60-90 triệu đồng/m2. Cách đây 4 năm, căn ki ốt rộng 35m2, có view sân chung cư Linh Đàm được anh Nguyễn Tài Tuấn mua với giá hơn 1 tỷ đồng, đến nay có người trả tới 2,5 tỷ song anh vẫn chưa muốn bán. Một môi giới thuộc văn phòng bất động sản tại Hoàng Mai, anh Phạm Quảng Giao cho hay, 1 tháng trước, giá bán căn ki ốt rộng hơn 30m2 ở trục đường chính Nguyễn Hữu Thọ là 2,7 tỷ đồng. Theo anh Giao, những căn góc, vị trí đẹp còn có mức chênh khủng hơn.
Các căn ki ốt tại khu đô thị Đại Thanh tuy không tăng giá mạnh như HH Linh Đàm nhưng vẫn có mức giá cao, mức tăng giá tốt trong khi giá căn hộ sụt giảm. Tại thời điểm mở bán cách đây 5 năm, giá gốc các ki ốt Đại Thanh từ 26-28 triệu đồng/m2 tùy diện tích và vị trí. Hiện tại, mức giá chào bán phổ biến trên thị trường dao động trong khoảng 32-35 triệu đồng/m2. Chẳng hạn, giá gốc của căn ki ốt tại CT8C Đại Thanh với mặt tiền quay ra đường Phan Trọng Tuệ là 28 triệu đồng/m2, hiện giá tăng lên tới 32 triệu đồng/m2. Các căn ki ốt mặt tiền quay ra đường chính khu đô thị (đường đôi) có giá gốc là 30 triệu đồng/m2, nay được chào bán với giá 34-35 triệu đồng/m2.
|
Giá bán căn ki ốt tại các dự án nhà giá rẻ của đại gia Thản đều tăng mạnh trên thị trường thứ cấp với mức chênh lên đến hàng tỷ đồng. |
Các môi giới lý giải, sở dĩ mức tăng giá bán ki ốt Đại Thanh không bằng HH Linh Đàm là bởi vị trí của khu đô thị không đẹp và quy mô dân số cũng không lớn bằng. Hơn nữa, gần Đại Thanh đã có khu chợ được quy hoạch nên độ nóng sốt của ki ốt ở đây không bằng HH Linh Đàm là điều tất yếu.
Khan hiếm nguồn cung
Trên thị trường thứ cấp, nguồn hàng ki ốt rất khan hiếm dù giá bán tăng cao, mức chênh khủng. Đang trong quá trình tìm hiểu các kênh đầu tư địa ốc, chị Nguyễn Thị Hinh (Khương Mai, Thanh Xuân) được một người bạn chia sẻ về lợi nhuận khi đầu tư ki ốt tại các dự án nhà giá rẻ của Mường Thanh. Sau khi tìm hiểu, chị Hinh có liên hệ với một số môi giới đăng tin rao bán trên các website thương mại điện tử. Vậy nhưng, phần đa các môi giới đều báo hết hàng, đồng thời hứa sẽ liên lạc lại khi có nguồn hàng mới. Chị Hinh cho hay, sau khoảng 2 tuần chờ đợi chỉ có duy nhất một môi giới báo có hàng.
Mặt khác, có nhiều môi giới đăng tin rao bán các căn ki ốt tại khu đô thị Đại Thanh, HH Linh Đàm nhưng khi khách gọi thì báo hết hàng. Đồng thời, họ cũng hướng khách sang ki ốt chung cư khác, các shophouse (nhà phố thương mại) hiện đang được mở bán trên thị trường.
Theo môi giới Phạm Quảng Giao, các ki ốt tại Đại Thanh, HH Linh Đàm được ví von là “gà đẻ trứng vàng” trên thị trường cho thuê. Với những ki ốt này, nhà đầu tư đạt được tỉ suất lợi nhuận lớn, ổn định, an toàn hơn so với chơi chứng khoán hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng. Đây là lý do khiến rất ít người có nhu cầu bán lại ki ốt dù được trả mức chênh cao ngất ngưởng. Phương thức đầu tư lâu dài mà họ chọn là mua ki ốt rồi cho thuê lại. Tuy vậy, vẫn có một số trường hợp bán lại ki ốt do cần tiền gấp hoặc dồn vốn vào một kênh đầu tư khác. Song, lượng người bán này không nhiều.
Đặc biệt, các gia chủ không cần mất phí cho môi giới, họ chỉ cần "bắn tin" cho những người đang thuê ki ốt, lao công, bảo vệ tòa nhà hay đăng tin trên một vài hội nhóm là có thể đẩy hàng nhanh chóng. Điều đó cho thấy sự "đắt khách" của ki ốt hiện nay, nhất là các ki ốt ở HH Linh Đàm.