Thị trường BĐS đã bắt đầu bước sang một giai đoạn phát triển mới. Tuy vậy, việc huy động các nguồn vốn từ tất cả các chủ thể trong nền kinh tế vẫn là yêu cầu hàng đầu trong việc quản lý và phát triển thị trường BĐS. Có rất nhiều giải pháp cần được triển khai một cách đồng bộ. Tuy nhiên, có thể cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng:
Thứ nhất, chính quy hóa thị trường BĐS. Thị trường đã từng bước chuyển sang giai đoạn tài chính hóa. Quỹ tín thác đã được phép hoạt động. Vậy, hiện nay, quản lý thị trường BĐS thì việc xây dựng là chính hay việc quản lý tài chính là chính. Câu trả lời là các mảng đó ít nhất là không kém quan trọng nhau. Vì vậy, thị trường cần được chính quy hóa. Cơ quan quản lý thị trường BĐS cần được đặt ngang tầm với vị trí của thị trường BĐS. Nói khác đi, một cơ quan cấp Tổng cục để quản lý BĐS và thị trường BĐS cần phải được ra đời. Bên cạnh đó, một trong những động thái điều hành quan trọng nhất tại thời điểm hiện nay là hướng đến tăng trưởng tín dụng từ hệ thống ngân hàng đối với thị trường BĐS. Trong 6 tháng cuối năm, và đến trước tết âm lịch Qúy Tỵ, tổng dư nợ tín dụng cho hệ thống BĐS cần phải lập lại mốc của năm 2009-2010.
Thứ hai, kỷ luật thông tin thị trường cần phải được nâng cao. Các sàn giao dịch phải được kiện toàn, nâng cao một bước. Để có thể phù hợp với giai đoạn phát triển mới của thị trường BĐS, việc rất quan trọng là phải có một hệ thống thông tin đủ mạnh, được tích hợp hệ thống. Điều này cần phải có một kỷ luật cung cấp thông tin từ các bên hữu quan. Một là, các chủ thể tham gia giao dịch trên thị trường BĐS. Hai là, các sàn giao dịch BĐS. Ba là, các cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS (tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng, kế hoạch đầu tư…).
Thứ ba, quỹ tiết kiệm BĐS cần phải được cho ra đời. Trước mắt, một văn bản quy phạm pháp luật cần được ban hành. Kết hợp với việc cho ra đời các quỹ đầu tư tín thác BĐS, việc cho ra đời văn bản pháp quy và quỹ tiết kiệm đầu tư là hết sức cần thiết. Hai hệ thống này sẽ phối hợp với nhau để phục vụ các nhóm chủ thể khác nhau. Quỹ đầu tư tín thác sẽ phục vụ các chủ thể có nguồn tài chính đủ mức, có mong muốn đầu tư BĐS như một kênh đầu tư. Đối với quỹ tiết kiệm BĐS sẽ phù hợp hơn với những nhóm chủ thể có nguồn tài chính hạn hẹp nhưng có mong muốn có nhà để ở.
Thứ tư, cần triển khai nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thị trường thế chấp thứ cấp. Đây là một công cụ quan trọng để tăng luồng tiền đối với thị trường BĐS. Đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, hệ thống ngân hàng đang nắm giữ nhiều tài sản dưới dạng thế chấp, trong đó có BĐS. Đồng thời, do các ngân hàng có các hạn mức tín dụng khác nhau và tính thanh khoản cũng khác nhau. Vì vậy, để luân chuyển luồng tiền cũng như các tài sản thế chấp, hệ thống thế chấp thứ cấp (tái thế chấp) cần được đưa vào thực tiễn. Công cụ này đã được đề cập trong các văn bản phát triển tài chính cho thị trường BĐS từ năm 2007 nhưng vẫn chưa được nghiên cứu triển khai. Đây chính là thời điểm có thể hiện thực hóa công cụ này.
Thứ năm, các DN BĐS cần phải tự tìm ra lối đi phù hợp với bản thân mỗi DN. Trước hết, đối với những DN đã bước ra khỏi tình trạng khó khăn - cần triển khai tích cực các dự án có khả năng thanh khoản. Thứ đến, đối với những DN vẫn đang khó khăn - cần phải chấp nhận loại bỏ những dự án, những sản phẩm kinh doanh khó khăn - bước tiếp là lựa chọn các sản phẩm, các dự án có khả năng hiện thực hóa. Hơn hết, đối với những DN thực sự khó khăn - cần tìm những đối tác có năng lực tài chính để tiến hành chuyển giao, sáp nhập và DN, dự án phải dời bỏ thị trường lúc này để tìm kiếm cơ hội mới trước khi các cơ hội đã bị thâu tóm hết.
TS Trần Kim Chung
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương