SearchNews

Năm 2011 sôi động thị trường mặt bằng bán lẻ

04/02/2011 05:59

Trong khi thị trường bất động sản trầm lắng ở nhiều phân khúc, mặt bằng bán lẻ vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Trong khi thị trường bất động sản trầm lắng ở nhiều phân khúc, mặt bằng bán lẻ vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý 4/2010, tổng diện tích bán lẻ trên thị trường Hà Nội khoảng 430.000 mét vuông từ 130 dự án, bao gồm 13 trung tâm thương mại/ trung tâm bách hóa/ đại siêu thị, 67 siêu thị, 34 siêu thị điện máy, 2 siêu thị bán sỉ và 14 khối đế bán lẻ.

Trong năm 2010, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn Hà Nội tăng khoảng 30%, trong đó doanh thu bán lẻ tăng 31% (chưa bao gồm 22% tăng giá). Hà Nội là trung tâm bán sỉ của cả miền bắc với mức doanh thu chiếm gần 80% tổng doanh thu bán lẻ.

Thị trường bán lẻ Hà Nội dự kiến sẽ có thêm một nguồn cung lớn từ 150 dự án trong tương lai. Hầu hết những dự án này nằm ngoài khu vực trung tâm thành phố như: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân và Từ Liêm

Trong năm 2011, 12 dự án sẽ gia nhập thị trường Hà Nội với 116.000 m2. Trong đó ba dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý 1 2011.

Mặt bằng bán lẻ kênh đầu tư hấp dẫn. (Ảnh: Duy Khánh)

Theo Savills, tại TP Hồ Chí Minh, hiện có 6 trung tâm bách hóa, 20 trung tâm mua sắm, 6 khu bán lẻ khối đế, 58 siêu thị và 3 siêu thị bán sỉ với tổng diện tích khoảng 625.450 m2, tăng 27% so với năm trước.

Trong vòng 5 năm tới, dự kiến thị trường bán lẻ tại TP.HCM sẽ có thêm khoảng 800.000 m2 nguồn cung mới. Nguồn cung tương lại chủ yếu sẽ tập trung tại Quận 1 (chiếm 19%), Quận 2 (10%) và Quận 7 (khoảng 37% tổng nguồn cung).

Hình thức cho thuê dài hạn mặt bằng bán lẻ đang trở thành một kênh đầu tư mới cho cả các nhà đầu tư và tư nhân. Trong quý này, dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ và Keangnam Hà Nội Lankmark Tower đã bắt đầu chào bán mặt bằng bán lẻ cho thuê dài hạn (50 năm hoặc ít hơn).

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, lĩnh vực bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ theo xu hướng: Siêu thị lớn phát triển tới mức cao nhất trong năm 2011-2012 và chậm dần lại tại các đô thị lớn. Các siêu thị quy mô nhỏ hơn ngày càng phổ biến; hệ thống siêu thị tổng hợp và chuyên lương thực, thực phẩm sẽ hình thành.

Hình thức kết hợp bán lẻ truyền thống và hiện đại tại cùng một địa điểm có thể hình thành tại Việt Nam. Ví dụ, việc cải tạo chợ truyền thống tại các đô thị lớn như: chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Hôm, chợ Mơ… tại Hà Nội đã có những ý kiến ủng hộ. Đây là mô hình kết hợp của bán lẻ truyền thống và bán lẻ hiện đại. Ngoài ra, mua sắm qua mạng cũng có bước tiến triển mới. Dân số trẻ và đang lớn mạnh, tốc độ đô thị hóa cao, thị trường nông thôn rộng lớn vẫn tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Ông Troy Griffiths, Giám đốc Toàn quốc, Bộ phận Nghiên cứu và Định giá Công ty Savills Việt Nam cho rằng, phân khúc bán lẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển do tăng trưởng bán lẻ cao và lực lượng dân số tiêu dùng đông. Nhiều hình thức bán lẻ mới đã xuất hiện từ kênh phân phối và giao nhận cho đến các khái niệm mua sắm mới.

Năm 2011 sẽ là một năm sôi động cho thị trường bán lẻ vì các nhà bán lẻ sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi và giải trí của người tiêu dùng bên trong các trung tâm mua sắm.

Duy Khánh

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu