Trao đổi với TBKTSG Online vào ngày 17/12, theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng - Lê Văn Tới, so với năm 2014, năm nay lượng xi măng tiêu thụ trong nước đạt khá, nhất là vào những tháng cuối năm. Dự báo trong năm 2016 tới, thị trường trong nước vẫn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, ông Tới cũng cho rằng sang năm ngành xi măng vẫn chưa thể có tăng trưởng đột biến, và mức tiêu thụ có thể chỉ tăng trưởng từ 3,5 – 4,5% so với năm 2015.
Hiện nay, cả nước đang có khoảng 60 nhà sản xuất xi măng lớn, nhỏ, và những năm gần đây do cung đã vượt cầu nên sự cạnh tranh trên thị trường có phần khốc liệt hơn.
Trạm nghiền Hiệp Phước của doanh nghiệp Xi măng Holcim. Ảnh: TL
Trong năm 2014, do thị trường địa ốc trong nước trầm lắng, lượng cung xi măng vượt cầu nên các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu để giảm hàng tồn kho. Sản lượng xi măng năm 2014 đạt trên dưới 71 triệu tấn, trong đó, lượng xi măng tiêu thụ trong nước chỉ được gần 51 triệu tấn. Những nhà sản xuất có lượng xi măng xuất khẩu lớn có thể kể tới như Vicem, Nghi Sơn, Chinfon, Thăng Long Vina hay Vissai, Thăng Long…
Dù có một số tín hiệu tích cực nhưng đến nay, mất cân đối cung - cầu và tồn kho xi măng vẫn là gánh nặng luôn chực chờ. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, đang có nhiều nhà sản xuất xi măng nhỏ phải cạnh tranh khốc liệt với nhau, và ngành xi măng cần thiết được 'tái cơ cấu' theo khuynh hướng sáp nhập các doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xi măng nhỏ lẻ cũng đã tham gia quá trình sáp nhập vào Vicem (Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam) để tăng sức mạnh, chẳng hạn như xi măng Hạ Long, Sông Đà, Sông Thao… Mới đây nhất, hai nhà sản xuất xi măng khu vực phía Nam là Holcim và Lafarge cũng tham gia sáp nhập vào Vicem.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online