Nằm trên khu đất rộng gần 600m2, chung cư 155-157 Bùi Viện sở hữu vị trí đắc địa bậc nhất phố đi bộ Bùi Viện, thuộc trung tâm của “khu phố Tây” nổi tiếng TP.HCM. Có tất cả 94 hộ dân sinh sống trong tòa chung cư được xây từ trước năm 1975 này.
Các cư dân của tòa nhà cho biết, họ sẵn sàng ủng hộ chủ trương cải tạo, xây dựng mới chung cư mà UBND quận 1 đã đưa ra, song, người dân cần phải có thời gian để chuẩn bị. Tuy nhiên, thông báo phải khẩn trương di dời của UBND quận 1 mới đây đã khiến người dân không khỏi lo lắng.
Sở Xây dựng qua quá trình khảo sát trước đó đã nhận định, bên ngoài chung cư vẫn còn chắc chắn nhưng bên trong thì xuống cấp nghiêm trọng, do đó, đề xuất UBND TP.HCM cần khẩn trương thực hiện di dời công trình này.
|
Người dân chung cư 155-157 Bùi Viện vẫn canh cánh nỗi lo ra đi không biết bao giờ được về. |
Phó Chủ tịch UBND quận 1 tại buổi tiếp xúc đối thoại với người dân sinh sống tại chung cư Bùi Viện vào thời điểm cuối tháng 4 vừa qua đã thông tin, sẽ di chuyển tất cả các cư dân sinh sống tại chung cư 155-157 Bùi Viện ra bên ngoài và người dân được quyền lựa chọn nơi ở mới nằm trong danh sách quỹ nhà tái định cư của thành phố.
Đối với những người dân không đồng ý tạm cư, thành phố bố trí tiền thuê nhà để tự lo nơi ở mới với các mức cụ thể: hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng đối với hộ dân có từ 4 nhân khẩu trở xuống; hỗ trợ thêm 1,25 triệu/nhân khẩu/tháng đối với các hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên, nhưng không quá 15 triệu đồng/hộ.
Đồng thời, lãnh đạo UBND quận 1 lúc đó là ông Đoàn Ngọc Hải cũng đã cam kết sẽ mời chủ đầu tư thực hiện chương trình cải tạo không vì mục đích thương mại và sẽ bố trí lại để 100% cư dân trở về sinh sống trong căn hộ mới… Nhưng trong buổi đối thoại mới đây, lãnh đạo quận 1 đã thừa nhận, hiện dự án cải tạo tòa chung cư này vẫn chưa nhận được sự quan tâm của bất kỳ nhà đầu tư nào.
Thực tế này khiến các hộ dân không khỏi lo lắng và gửi đơn cầu cứu lên lãnh đạo thành phố vì sợ tương lai bấp bênh.
Anh Duy Mạnh, một cư dân có gia đình sinh sống ở đây nhiều năm tại căn hộ 401 nói: "Điều mong muốn của cư dân là sớm được quay về nơi ở cũ, an cư tại chung cư đã xây dựng lại. Thế nhưng, thực tế nhiều trường hợp sau khi cưỡng chế di dời cư dân thì chính quyền không đốc thúc chủ đầu tư nhanh chóng xây dựng lại chung cư nên dự án vẫn “trùm mền”, hoặc xây dựng với tiến độ quá chậm."
Nỗi lo ở trên của anh Mạnh cũng như cư dân sống trong các chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM là hoàn toàn có cơ sở.
Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM từng nêu, một trong 7 chương trình đột phá mà TP.HCM đặt ra tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2020 là, sẽ hoàn thành 50% kế hoạch sửa chữa chung cư cũ từ trước năm 1975. Nhưng hiện mới chỉ có 132/474 chung cư cũ hoàn thành công tác sửa chữa.
Đã có nhiều trường hợp chủ đầu tư cố xí cho được phần cải tạo chung cư cũ nhưng lại không hoàn thành nhiệm vụ, mà “bỏ của chạy lấy người”. Đó là trường hợp tại chung cư Cô Giang, quận 1. Từ năm 2007, tòa chung cư cũ này đã bắt đầu giải tỏa với 750 căn hộ và 134 căn nhà nằm trong diện phải di dời. Chủ đầu tư mới đã tổ chức lễ động thổ rầm rộ nhưng lại bỏ đó, để rồi chẳng có một tòa nhà mới nào được mọc lên, mà vẫn chỉ là bãi đất trống, dù đã hơn 10 năm trôi qua.