Ông Châu cho rằng, do Sở QH&KT TP.HCM đang hiểu máy móc về hai cụm từ "chủ đầu tư" và "nhà đầu tư" nên không ít dự án tại đô thị này đang phải mòn mỏi chờ đợi làm thủ tục hành chính trong khi đã có "Quyết định chủ trương đầu tư".
Việc trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc trong bản vẽ tổng mặt bằng dự án là hồ sơ của "Nhà đầu tư" nên hàng loạt dự án tại TP.HCM rơi vào cảnh không thụ lý hồ sơ. Theo lãnh đạo HoREA, lý do khiến hai cụm từ "Chủ đầu tư" và "Nhà đầu tư" bị hiểu máy móc là bởi Khoản 7, Điều 19, Luật Quy hoạch đô thị có quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư. Vậy nên, lỗi này phát sinh trong công tác thực thi các quy định của pháp luật liên quan.
|
Việc duyệt quy hoạch 1/500 một cách máy móc là lý do khiến hàng loạt dự án bất động sản TP.HCM bị ách tắc. (Ảnh minh họa, nguồn: Zing.vn) |
Chủ tịch HoREA cho biết, đây là trường hợp đặc thù bởi chỉ có Hà Nội, TP.HCM có Sở QH&KT, trong khi các tỉnh và thành phố trực thuộc TW khác chỉ có Sở Xây dựng. Phòng chức năng liên quan tới quy hoạch kiến trúc sẽ thuộc Sở Xây dựng. Các địa phương này vì thế không xảy ra trường hợp trên. Do vậy, vấn đề này cần được xem xét và giải quyết trong phạm vi thẩm quyền của TP.
Thời gian gần đây, do những dự án mới không được ký kết, phê duyệt nên thị trường bất động sản TP.HCM rơi vào trạng thái trì trệ, không có nguồn hàng để bán. Các doanh nghiệp địa ốc cho hay, hồ sơ ách tắc chồng chất nên hồ sơ dự án gửi tới không được duyệt, cũng chẳng rút được về. Thậm chí, vì quá khan hiếm nguồn cung nên có doanh nghiệp bất động sản buộc phải sa thải nhân viên.
Không ít công ty địa ốc phản ánh, để có thể hoàn tất các thủ tục đầu tư, thi công và nghiệm thu công trình trước khi đưa vào khai thác, các dự án đều mất khoảng thời gian trên dưới 3 năm. Điều này gây bất lợi cho cả người mua cũng như doanh nghiệp. Bởi lẽ, thực tế thời gian sử dụng đất bị rút ngắn khi thời gian thụ lý, hoàn thiện hồ sơ kéo dài. Chưa kể, vì phải ngâm lãi ngân hàng nên doanh nghiệp còn bị đội vốn.
Trước thực trạng trên, HoREA kiến nghị UBND TP.HCM trình Chính phủ đề xuất bổ sung, sửa đổi Khoản 7, Điều 19, Luật Quy hoạch đô thị về việc nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu đất được giao đầu tư nhằm giải quyết vấn đề xung đột pháp luật bởi các định nghĩa bị hiểu một cách máy móc, lẫn lộn.
Cũng theo đề nghị của HoREA, UBND TP.HCM cần chỉ đạo Sở QH&KT thụ lý, giải quyết hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc bản vẽ tổng mặt bằng dự án đã được UBND TP thông qua "Quyết định chủ trương đầu tư" nhằm giải quyết vấn đề ách tắc nói trên.