Theo ông Nam, từ quý III trở về trước, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là căn hộ condotel đã chững lại cả về lượng giao dịch và nguồn cung. Sức tiêu thụ lẫn sản phẩm mới chào hàng tại các thủ phủ du lịch phát triển mạnh về phân khúc nghỉ dưỡng đều sụt giảm mạnh.
Xét trên phạm vi cả nước, lượng giao dịch condotel trong cả quý III chỉ đạt hơn 1.000 căn. Trong đó, riêng tại thị trường Nha Trang và Đà Nẵng, nguồn cung tích lũy đã đạt 20.000 căn.
|
Nguồn cung và lượng giao dịch căn hộ condotel đều sụt giảm kể từ quý III/2018 trở về trước. (Ảnh minh họa, nguồn: Tuổi trẻ Online) |
Nguyên Thứ trưởng Xây dựng đưa ra 4 lý do chính dẫn tới thực trạng nói trên. Cụ thể như sau:
Một là, giới đầu tư có tâm lý e ngại khi rót tiền vào phân khúc condotel bởi vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ.
Hai là, dòng vốn rót vào bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là căn hộ condotel bị "hụt hơi" do ngân hàng siết chặt tín dụng bất động sản.
Ba là, tại Việt Nam, năng lực phát triển và vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng còn hạn chế. Do đó, khách hàng có nhu cầu đầu tư dài hạn vẫn có tâm lý ngờ vực.
Bốn là, trong những năm gần đây, giá các sản phẩm thuộc phân khúc nghỉ dưỡng đã bị đẩy lên mức quá cao.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trần Nam, thị trường du lịch Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng nên thực trạng của bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm được cải thiện. Hơn nữa, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành các quy chế, quy chuẩn quản lý vận hành, chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu.
Thế nên, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là căn hộ condotel đã và đang từng bước được thừa nhận, bước đầu được thể chế hóa. Ông Nam cho rằng: "Khi tính minh bạch cho dòng sản phẩm này ngày càng hoàn thiện, phân khúc này sẽ thu hút các doanh nghiệp bất động sản nước ngoài cũng như nhà đầu tư ngoại đặt chân vào".