Tăng giá mạnh trong thời gian gần đây, theo sau cơn sốt đất tại Nam Sài Gòn, nhưng thị trường nhà đất Hà Nội được dự báo sẽ dần ổn định trở lại.
Theo trung tâm bất động sản Retech, từ hơn một tháng nay, yêu cầu mua nhà đất tại trung tâm này tăng đột biến và giá cả cũng biến động hàng ngày. "Một số khu vực giá tăng đến 1,3 lần, chủ nhà thấy khách hàng hỏi mua nhiều, nên liên tiếp nâng giá", nhân viên trung tâm cho hay.
Tuy nhiên, nhà đất chỉ đắt khách và tăng giá ở một số khu vực, đặc biệt những nơi nằm trong quy hoạch trọng điểm của thành phố đến năm 2020. "Khu vực Cầu Giấy, Mỹ Đình, Từ Liêm, Cổ Nhuế và một phần Tây Hồ được săn lùng nhiều nhất", nhân viên môi giới nhà đất cho hay.
Nhân viên tại văn phòng nhà đất 149 Mai Hắc Đế cho hay, ngoài những người mua nhà xây sẵn, căn hộ chung cư và người có tiềm lực tài chính thì mua biệt thự để ở, một số lượng lớn người tìm mua căn hộ chung cư để cho thuê. "Có người tìm mua một lúc 2 căn hộ cao cấp cho người nước ngoài thuê lại", nhân viên này cho biết.
Trong khi chung cư cao và trung cấp có vị trí đẹp và hạ tầng tốt được nhiều người đổ xô đi mua, đất thổ cư tại các khu vực này lại khá im lìm và chỉ nhích giá chưa đến 10%. "Do quy hoạch, người có đất không muốn bán vì nghĩ rằng về sau khu đất sẽ có giá hơn khi trở thành quận nội thành; còn người mua thì e ngại khu đất có thể rơi vào diện giải tỏa", nhân viên tại Retech giải thích. Cũng theo nhân viên này, từ một tuần trở lại đây, lượng giao dịch thành công đã giảm khoảng 1/4 do nhiều khách hàng không chấp nhận mức giá cao.
Theo anh Yên, nhân viên văn phòng nhà đất trên đường Đại Cồ Việt, từ 4 ngày nay, lượng giao dịch thành công tại văn phòng này đã giảm đi. "Cuối tuần trước vẫn nhiều người quyết định mua, nhưng gần đây một số khách hàng đã thỏa thuận xong giá, lại do dự và trả lại nhà", anh Yên cho biết.
Theo dõi diễn biến thị trường bất động sản tại Hà Nội thời gian vừa qua, GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường, nhận định, độ nóng của thị trường nhà đất tại Hà Nội chưa đạt đến độ tương đương với TP HCM nửa tháng trước, và cũng đang dần hạ nhiệt. "Giá cả chỉ tăng đột biến tại một số khu vực có giá trị cao", ông Võ cho hay.
Theo ước tính của ông Võ, mặt bằng giá các loại nhà đất đã tăng 25% so với thời gian trước. So với 2 đợt sốt giá đất trước đây, mức tăng giá này thấp hơn rất nhiều. Năm 1991-1992, giá đất tăng gấp 10 lần và trong đợt sốt giá vừa kết thúc cách đây không lâu 2001-2004, giá cả đã tăng 5 lần. "Vì thế chưa thể gọi việc tăng giá tại Hà Nội là một cơn sốt mới", ông Võ nhận định.
Không sốt nóng, nhưng giữ giá cao
Nguyên nhân việc tăng giá nhà đất tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Văn Cây, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà Constrexim-HOD, ngoài việc do dòng vốn chuyển dịch từ thị trường chứng khoán sang, là do thị trường thật sự khan hiếm hàng.
Theo ông Cây, trong 2 năm qua, khi thị trường im ắng, hầu như trên địa bàn Hà Nội không có thêm dự án bất động sản nào được triển khai. "Một phần vì các ngân hàng "đóng cửa" với các chủ đầu tư do nghi ngại khó thu hồi vốn vay, một phần vì chính các chủ đầu tư cũng không mấy mặn mà khi thị trường trầm lắng", vị giám đốc này giải thích.
Một số chủ đầu tư tại Hà Nội, trong đó có Constrexim, đã "khăn gói" vào làm các dự án tại phía Nam. Chính vì thế, theo ông Cây, khi thị trường ấm lên, cầu nhà đất tại thành phố tăng mạnh, nguồn cung trên thị trường trở nên hiếu hụt trầm trọng.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, khó có khả năng giá bất động sản tại Hà Nội tiếp tục leo thang, trở thành một cơn sốt. "Khách hàng tại Hà Nội vốn thận trọng khi mua nhà hơn người Sài Gòn rất nhiều. Vì vậy, khi nhà đất tăng giá, nhiệt độ không tăng quá nhanh và người ta cũng không ùn ùn kéo đi mua nhà như ở Nam Sài Gòn", ông Cây nhận xét.
Song vị giám đốc này cũng cho rằng, sẽ không có chuyện giá bất động sản tại Hà Nội giảm mạnh trong thời gian tới, do nhu cầu nhà đất của người dân vẫn rất lớn. "Một số dự án lớn mới được khởi động và sẽ có thêm nhiều dự án trong thời gian tới, nhưng trước mắt vẫn chưa có thêm nguồn cung. Vì thế nhà đất vẫn giữ giá khá cao", ông Cây nhận định.
Còn theo GS-TS Đặng Hùng Võ, thị trường sẽ sớm bình ổn sau một vài tháng, nhất là khi cơn sốt giá tại TP HCM đã phần nào hạ nhiệt. "Thị trường có những dao động ở thời điểm hiện tại, nhưng sẽ không nóng lâu, mà sẽ ổn định sau nửa năm", ông Võ nhận định.
Ngọc Châu