Kể từ ngày 10/6/2014, các doanh nghiệp được gia hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền mua nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Thông tư 48/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn “ngơ ngác” chưa biết phải áp dụng thông tư này ra sao.
Thời gian gia hạn 24 tháng
Theo Thông tư 48, các đối tượng được xem xét gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo Nghị quyết 01/NQ-CP bao gồm các chủ đầu tư dự án bất động sản được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, mà chủ đầu tư đã được bàn giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà để bán, cho thuê, cho thuê mua; dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng chuyển nhượng hoặc cho thuê; dự án đầu tư xây dựng công trình có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, trong đó có mục đích xây dựng nhà để bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản chưa nộp tiền sử dụng đất.
Dự án bất động sản chưa nộp tiền sử dụng đất được xác định là dự án mà chủ đầu tư chưa hoàn thành việc nộp tiền vào ngân sách nhà nước (bao gồm cả trường hợp mới nộp được một phần) theo thông báo lần đầu của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp không có thông báo của cơ quan thuế) theo quy định của pháp luật.
Điều kiện gia hạn nộp tiền sử dụng đất là các chủ đầu tư dự án đầu tư thuộc đối tượng nêu trên được gia hạn nộp tiền sử dụng đất nếu đáp ứng đủ các điều kiện, như chưa được gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, hoặc Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ; kết quả tài chính của dự án tính đến ngày 31/12/2013 là lỗ hoặc có giá trị hàng tồn kho của dự án lớn, hoặc doanh nghiệp đã phát sinh chi phí đầu tư của dự án lớn, nhưng chưa có doanh thu do chưa bán được hàng.
Thời gian được gia hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày phải nộp tiền sử dụng đất theo thông báo lần đầu của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp không có thông báo của cơ quan thuế). Đối với dự án bất động sản được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, thì chủ đầu tư không được gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo hướng dẫn tại thông tư này.
Giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản cuối tuần qua, tổng giám đốc một công ty hiện có 4 - 5 dự án dang dở trên địa bàn Hà Nội cho biết, việc Nhà nước cho phép hoãn nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất tối đa tới 2 năm sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với các công ty đầu tư bất động sản.
Thực tế hiện nay, tiền sử dụng đất là một khoản tài chính lớn đang đè nặng lên doanh nghiệp, khiến không ít doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng lao đao. Vướng mắc lớn nhất là tiền sử dụng đất theo Nghị định 69 quá cao. Doanh nghiệp đi mua quyền sử dụng đất của người dân theo giá thị trường, rồi đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường, trong khi Nhà nước chỉ khấu trừ chi phí theo bảng giá đất.
Ngoài ra, Nghị định 69 cũng quy định thuế sử dụng đất cao, làm cho giá thành nhà bị đội lên, khiến doanh nghiệp khó bán hàng. Bên cạnh đó, còn có những điểm bất hợp lý nữa là, ngoài phải đóng tiền sử dụng đất cho phần đất kinh doanh, ngay phần diện tích được sử dụng làm công viên, công trình công cộng cũng phải đóng tiền sử dụng đất. Những bất cập trên là lý do các doanh nghiệp chây ì trong việc đóng tiền, dẫn đến không hoàn thành được thủ tục pháp lý, khiến tiến độ triển khai nhiều dự án bất động sản trong thời gian qua bị chậm, thậm chí là “đắp chiều” nhiều năm trời.
“Xin chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đã giúp chúng tôi giũ bỏ được 1 phần gánh nặng về tài chính do được miễn tiền sử dụng đất, nhưng với những dự án thương mại khác vẫn rất mệt mỏi trong bối cảnh thị trường còn khó khăn như hiện nay”, vị tổng giám đốc nói và cho biết, đang cố gắng bằng mọi cách để huy động được vốn triển khai các dự án dở dang, nếu được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất thì doanh nghiệp sẽ có thêm được nguồn vốn đổ vào dự án. Đây là một điều “quá tuyệt vời”.
Theo vị tổng giám đốc này, chính sách hỗ trợ này không mới, đã có tiền lệ từ trước. Để được phép gia hạn, các chủ đầu tư sẽ phải được đánh giá dựa trên các tiêu chí như tình hình thanh khoản gặp khó khăn, hoặc mức tồn kho nhiều và đặc biệt là dự án phải chưa được gia hạn trước đó. Mặc dù vậy, đây vẫn là một tin tích cực đối với các chủ đầu tư gặp khó khăn, vì các khoản thanh toán được gia hạn (thường chiếm từ 5 - 20% tổng chi phí dự án), có thể giúp giảm bớt áp lực dòng tiền và đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo Báo Đầu tư Bất động sản