SearchNews

Niềm tin vào thị trường BĐS Việt Nam

20/10/2009 08:48

Nhiều NĐT cho rằng, cần tiếp tục cải thiện chính sách thuế và thủ tục đầu tư thì mới có thể khai thác được tiềm năng to lớn của thị trường BĐS nói chung và BĐS du lịch nói riêng của Việt Nam.

Nhiều NĐT cho rằng, cần tiếp tục cải thiện chính sách thuế và thủ tục đầu tư thì mới có thể khai thác được tiềm năng to lớn của thị trường BĐS nói chung và BĐS du lịch nói riêng của Việt Nam.

Nhiều tín hiệu lạc quan

(Ông Marc Townsend – Giám đốc điều hành CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE))

Hiện nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào thị trường BĐS Việt Nam trong dài hạn, đặc biệt ở phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng khách sạn. Chúng tôi vẫn ghi nhận các tín hiệu lạc quan từ các dự án ở Phan Thiết - Mũi Né, Phú Quốc, Hạ Long, Hồ Tràm, Lăng Cô, Nha Trang và Quảng Nam.

Thị trường bất động sản Việt Nam. (Ảnh: Duy Khánh)

Theo những thông tin mà CBRE có được, thì các nhà đầu tư ở khu vực châu Á sẽ là những người tiên phong trở lại đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam và thị trường sẽ thật sự sôi động trong vòng 18-24 tháng tới.

Tuy nhiên, Việt Nam cần phải làm nhiều hơn, đặc biệt là đối với các chính sách về thuế và thủ tục đầu tư, để đảm bảo rằng, đây là địa chỉ đầu tư an toàn và ổn định về cả chính trị, tài chính.

Cần có chiến dịch marketing tổng thể

(Ông Baron Ah Moo - Giám đốc điều hành Bộ phận khách sạn và khu nghỉ dưỡng – Quỹ Indochina Land)

Để thu hút khách hàng tiềm năng cho thị trường BĐS du lịch, theo tôi, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nỗ lực hơn trong khâu quản lý và thủ tục cấp visa để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế.

Đồng thời, cần có một chiến dịch marketing tổng thể và toàn diện hơn cả trong nước và nước ngoài, để tăng lượng khách du lịch vào Việt Nam trong thời gian tới.

Mặc dù lượng khách nội địa đã tăng nhẹ trong thời gian qua, nhưng các du khách quốc tế vẫn là người chi tiêu nhiều hơn, mang lại nhiều thu nhập hơn cho nền kinh tế quốc dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, thu nhập ngoại tệ của Việt Nam từ khách du lịch quốc tế lên đến 2,3 tỷ USD trong năm 2005 và tăng lên gần 4 tỷ USD trong năm 2008.

Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ

(Ông Neil Macgrgor – Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam)

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về BĐS du lịch, với 3.400 khi bờ biển gồm nhiều bãi biển đẹp. Việc khai thác hiệu quả tiềm năng này phụ thuộc nhiều vào việc giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của các địa danh du lịch và sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực.

Một trong những kinh nghiệm đầu tư thành công tại Việt Nam trong lĩnh vực BĐS là tìm hiểu kỹ các đối tác đồng thời tuyển chọn, đào tạo nhân sự người Việt.

Về phía Chính phủ, thực hiện cải cách hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, minh bạch hóa đấu thầu, giải phóng mặt bằng luôn là những yếu tố quan trọng hàng đầu trong quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.

Thiếu chiến lược quảng bá du lịch hiệu quả

(Ông Don Lam – Tổng giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital)

Đầu tư vào ngành công nghiệp du lịch và giải trí đang phát triển nhất nhì ở Việt Nam trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn thiếu các chiến lược hiệu quả để quảng bá du lịch ở tầm quốc gia ra thế giới. Do đó, các nhà đầu tư vào lĩnh vực này cần phải nhạy bén hơn trong việc tiếp cận thị trường và tìm hiểu phân khúc thích hợp để đầu tư.

Hơn nữa, họ phải tìm được đối tác bản địa thích hợp và luôn sẵn sàng để giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính và quan liêu trong quá trình đầu tư.

Nhìn chung, khung pháp lý của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài cũng đã khá hoàn thiện. Riêng trong lĩnh vực đầu tư BĐS, Nhà nước cần có những cải thiện trong quy trình từ giải phóng mặt bằng đến cấp phép đầu tư và khởi công dự án. Nhiều quy trình hiện tại vẫn thiếu minh bạch và các quy định pháp lý vẫn thiếu thống nhất.

Rút ngắn thời gian cấp phép dự án

(Ông Ken Atkinson – Giám đốc điều hành Grant Thornton Vietnam)

Các nhà đầu tư nước ngoài đã được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam, nhưng trên thực tế, họ vẫn gặp khó khăn khi theo đuổi mô hình này, do những vấn đề trong tiếp cận quỹ đất và giải phóng mặt bằng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn xem việc hợp tác với các đối tác trong nước là ưu tiên trong các dự án BĐS du lịch.

Những nhà đầu tư muốn thâm nhập phân khúc này ở Việt Nam nên tìm hiểu để có cái nhìn tổng quan về thị trường. Một số nhà đầu tư đã hấp tấp đầu tư vào các địa danh du lịch ở các vùng mới nổi của đất nước khi cơ sở hạ tầng ở đó chưa được quy hoạch và phát triển cơ bản.

Vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện liên quan đến quy trình đầu tư các dự án BĐS tại Việt Nam. Trước hết, phải rút ngắn thời gian cấp phép dự án, bởi nếu phải chờ 2-3 năm mới được cấp phép một dự án lớn thì quá lâu và điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiềm năng phát triển thị trường BĐS và du lịch của Việt Nam.

(Theo Đầu Tư)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu