PV: Thưa ông, xung quanh Dự thảo Luật Quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có nhiều ý kiến khác nhau, xin ông cho biết ý kiến của ông về Dự thảo Luật này?
Ông Nguyễn Hồng Quân: Tôi cho rằng, điều quan trọng khi định làm việc gì là phải nhận diện đúng bản chất hiện tượng, sự việc, thấy rõ được nguyên nhân dẫn đến những bất cập thì từ đó mới có giải pháp khắc phục.
Tờ trình Dự thảo Luật Quy hoạch mới chỉ nêu ra thực trạng lập quy hoạch quá nhiều nhưng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực, diễn ra ở tất cả các Bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng từ vài nghìn quy hoạch lên tới hàng chục nghìn quy hoạch… Thực trạng đó cũng cho thấy sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch để khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch, nhưng lại không phản ảnh đúng hiện tượng, bản chất của sự việc khi không làm rõ trong số hàng chục nghìn bản quy hoạch gây tốn kém, thất thoát ngân sách nhà nước thì có bao nhiêu bản quy hoạch vật thể, là quy hoạch không gian (nhà cửa, công trình…) mà chúng ta thường gọi là quy hoạch xây dựng, mỗi đồ án quy hoạch phi vật thể phải chi bao nhiêu tiền, tiền chi cho đồ án quy hoạch vật thể có nhằm vào mục đích thiết thực không,...
Tôi khẳng định rằng chúng ta đã chi rất nhiều tiền cho quy hoạch phi vật thể, tức là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tôi đã từng xem một tập tài liệu mỏng, không có quá nhiều giá trị về nội dung được gọi là quy hoạch phát triển của một ngành, phải chi vài tỷ đồng mới có được tập quy hoạch đó mà không biết giá trị thực tế của nó. Còn quy hoạch xây dựng, quy hoạch vật thể, giao cho ngành Xây dựng địa phương làm, thường chỉ được đầu tư vài trăm triệu, nhiều lắm mới chi tới con số tiền tỷ đồng khi một địa phương xác định thu hút được đầu tư lớn từ các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.
Về nội dung Dự thảo Luật Quy hoạch, tôi cho rằng nhận thức về bản chất của câu chuyện quy hoạch trong Luật Quy hoạch là không chuẩn, không thể có chuyện sắp xếp không gian kinh tế - xã hội, việc sắp xếp và bố trí chỉ làm được và khả thi đối với quy hoạch vật thể.
Dự thảo Luật cũng đưa ra khái niệm “tích hợp” là một thuật ngữ, nhưng nội hàm trong Luật không có điều khoản nào giải thích thuật ngữ tích hợp là gì và cũng không có điều khoản nào nói đến việc xử lý các quy hoạch hiện hữu, cách làm các quy hoạch tương lai tiếp theo mà chỉ đưa ra 5 loại quy hoạch.
Nếu giải thích cách tích hợp theo cách mấy đồ án quy hoạch xây dựng mà ngành Xây dựng làm phải đưa sang Bộ KHĐT thẩm định thì là không ổn. Chúng ta cần biết bản chất đồ án quy hoạch đó đã được làm như thế nào, nội dung có đi vào cuộc sống hay không chứ không phải là quy hoạch đó chưa được tích hợp nên phải đưa cho Bộ KH&ĐT thẩm định hoặc trình phê duyệt lại.
Trong thực tế hiện nay, quy hoạch tỉnh (63), vùng (16) đã có và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng đều gắn với chữ “xây dựng”. Nếu theo Luật này thì tất cả những quy hoạch chưa được tích hợp thì sẽ xử lý thế nào? Xử lý bằng cách trình lại sang Bộ KH&ĐT để thẩm định và phê duyệt lại? Chúng ta đang giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống, thực tiễn xã hội để đem lại hiệu quả hay giải quyết để cho đúng quy định về thủ tục hành chính?
Một mặt không nói đến quy hoạch xây dựng nhưng một số điều khoản trong Dự thảo Luật lại nói đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết ở các vùng liên huyện, ở các khu công nghiệp, khu chức năng tiếp tục thực hiện theo Luật Xây dựng và các luật pháp khác có liên quan. Như vậy, Luật Quy hoạch không động đến những quy hoạch lâu nay đã làm đã có vì nó theo Luật Xây dựng. Hay nói cách khác, với sự diễn đạt như vậy trong Dự thảo Luật thì chúng ta có thể hiểu, bản thân Luật này với cái tên Luật Quy hoạch thì sẽ bao trùm lên tất cả các câu chuyện về quy hoạch, nhưng vẫn trừ ra quy hoạch xây dựng.
Toàn văn Dự thảo chung chung, không rõ vấn đề cụ thể. Về mô tuýp khung sườn giống như Luật Quy hoạch đô thị khi đưa ra một trình tự tương tự như: nhiệm vụ, lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, lấy ý kiến, thanh tra, kiểm tra, giám sát… Nhưng bởi vì Dự thảo Luật Quy hoạch chỉ nói đến quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch Ngành, quy hoạch Vùng, tức là vĩ mô nên không thể nói đến vấn đề gì cụ thể. Do đó, sẽ dẫn đến một kết quả nữa là đối tượng điều chỉnh của Luật ít, chỉ là cơ quan quản lý nhà nước thì ý nghĩa và tác dụng của nó bị thu hẹp. Nếu chỉ làNhà nước với nhau thôi thì cần gì phải ban hành Luật, chỉ đạo từ Quốc hội sang Chính phủ cứ thế mà làm.
Ví dụ, nội hàm Quy hoạch tổng thể Quốc gia có đề cập trong Dự thảo Luật, những quy hoạch này lâu nay chỉ có Đại hội Đảng mới làm được, mà cũng phải làm hằng năm trời, qua nhiều Ban biên tập, soạn thảo mới trình Đại hội Đảng thông qua, không có tư vấn nào làm được Quy hoạch tổng thể Quốc gia, chưa nói đến những bí mật quốc gia không phải tư vấn nào cũng được biết.
Trong Dự thảo Luật cũng không nói đến tư vấn, mặc dù nói rằng phải đấu thầu tư vấn làm. Dự thảo Luật cũng không nói cơ quan nào tổ chức lập quy hoạch, chỉ nói Chỉnh phủ chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch chứ không tổ chức lập. Có lẽ lại là Bộ KH&ĐT tổ chức lập, nếu vậy thì Bộ này vừa lập vừa thẩm định quy hoạch?!
Tóm lại, một văn bản quy phạm pháp luật đưa ra nếu điều chỉnh hành vi và mối quan hệ của nhiều tổ chức và cá nhân trong xã hội thì mới có ý nghĩa, mới cần thiết, còn nếu điều chỉnh ít quá thì rõ ràng phải suy nghĩ.
PV: Với nội dung Dự thảo Luật Quy hoạch đang xây dựng hiện nay có thể chấn chỉnh được câu chuyện: phường mọc trên làng, đô thị mọc trên xã hay những câu chuyện liên quan đến quy hoạch ở Khu đô thị Linh Đàm, Khu Giảng Võ không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Quân: Những vấn đề bất cập trên cả nước hiện nay cần phải được nhận diện rõ bản chất của sự bất cập là gì, chứ không phải cứ do có những hiện tượng như vậy nên phải có Luật Quy hoạch. Ví dụ như khu Giảng Võ nằm trong đô thị thì Luật Quy hoạch đô thị có rồi, vậy thì muốn tìm hiểu bất cập của vụ việc này xuất phát từ đâu thì phải đi sâu vào xem khu đó đã có quy hoạch chưa, quy hoạch duyệt như thế nào...
Ngay trong lòng đô thị Hà Nội cũng có nhiều vấn đề về quy hoạch ở những nơi khác không chỉ có ở Giảng Võ, như khu công viên cây xanh ở Linh Đàm đã được phê duyệt nhưng hiện lại cho điều chỉnh quy hoạch để làm nhà. Có thể thấy đây chính là bất cập ở khâu thực hiện, sự tùy tiện của người tổ chức thực hiện. Do đó, phải chấn chỉnh ở chỗ khác, theo cách khác, chứ không phải chấn chỉnh bằng cách xây dựng một đạo luật mới là Luật Quy hoạch. Chúng ta cần có sự bình tĩnh để đưa ra giải pháp phù hợp thì đỡ xảy ra tình trạng căng thẳng giữa các Bộ như vừa rồi.
PV: Khi Chính phủ ban hành Luật Xây dựng 2003, vấn đề quy hoạch đã được dựng đề cập đến theo cách nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Quân: Thực tế xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam theo hướng từng bước hoàn thiện thể chế, cũng có nghĩa từng bước đưa ra những văn bản quy phạm pháp luật để quản lý xã hội nói chung, không đặt vấn đề ra một đạo luật sẽ đạt được tổng thể nhiều mục tiêu sẽ gây khó khăn cho việc thực thi.
Năm 2003 khi tôi còn công tác, chúng tôi được giao xây dựng Luật Xây dựng 2003 để chấn chỉnh hoạt động xây dựng. Mặc dù lúc đó quy hoạch chưa có, nhưng chúng tôi cũng phải suy nghĩ đến vấn đề xây dựng Luật Quy hoạch trong Luật Xây dựng để chấn chỉnh hoạt động xây dựng, cho nên chúng tôi mới đưa vấn đề quy hoạch vào trong Luật Xây dựng để buộc các hoạt động xây dựng phải tuân thủ. Đấy là một bước đi chấn chỉnh hoạt động xây dựng, là hành lang pháp lý cho hoạt động xây dựng phải theo, cho nên mới đưa chương Quy hoạch xây dựng vào trong Luật Xây dựng 2003.
Nhưng bản thân dung lượng một chương về quy hoạch trong Luật Xây dựng 2003 là chưa đủ, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, chúng tôi tiếp tục có thực tiễn, kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện thể chế. Khi quy hoạch vật thể giữa đô thị và nông thôn có chiều hướng bức xúc, và rõ ràng quy hoạch đô thị bức xúc hơn, cần phải giải quyết trước tiên vì dân cư đông hơn, công trình vật thể nhiều hơn, cần sắp đặt cho có trật tự, nên chúng tôi đã phải làm Luật Quy hoạch Đô thị trước.
Hiện những vấn đề liên quan đến quy hoạch vẫn tiếp tục được điều chỉnh phù hơp với thực tiễn quản lý nhà nước trong Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch Đô thị mới ban hành. Điều này cho thấy, ngành Xây dựng đang từng bước hoàn thiện thể chế song hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cho nên tôi không khẳng định là phải làm Luật Quy hoạch, càng không nói làm Luật Quy hoạch lúc này nên làm theo cách nào.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!