Gửi USD không vì lãi suất
Ngân hàng Nhà nước quy định, kể từ ngày 18/12, tổ chức và cá nhân gửi USD vào ngân hàng sẽ không còn được hưởng lãi.
Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng, với quyết định này, người gửi tiền sẽ chuyển đổi USD sang tiền đồng, từ đó sẽ giúp tăng nguồn cung USD cho thị trường, hỗ trợ ổn định tỷ giá, góp phần vào việc giảm bớt sức nóng của tỷ giá trong thời điểm cuối năm.
Thế nhưng, theo chị Trang (Hà Nội): “Tôi cũng đang phân vân. Do lãi suất tiền gửi USD đang ở mức 0,25%/năm chẳng đáng là bao nên nay giảm xuống 0%/năm cũng không làm người dân quá sốc. Tỷ giá tiếp tục căng thẳng, thấy nhiều người vẫn hy vọng USD vẫn còn tiếp tục tăng giá so với tiền đồng”.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Trần Ngọc Hùng đánh giá: “Thị trường BĐS không có nhiều hy vọng gì từ việc lãi suất lên hay xuống. Có thể thấy, động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước chỉ nhằm ngăn chặn sự đầu cơ USD của một bộ phận khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Dòng tiền có đổ vào BĐS hay không không thể nói trước được mà chủ yếu vẫn xuất phát từ nhu cầu mua nhà, nhất là khả năng tài chính của người dân là chính”.
Có cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu BIDV nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tiền USD cũng không thể giúp cho dòng tiền chảy vào lĩnh vực địa ốc.
Theo ông Lực: “Người dân gửi tiền không phải vì lãi suất bởi thực tế lãi suất đã rất thấp. Họ gửi tiền USD bởi nhu cầu sử dụng ngoại tệ cho con du học hay thanh toán nhu cầu cá nhân.
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp, vì lãi suất gửi USD trước nay vốn đã không cao nên các doanh nghiệp gửi ngoại tệ vào đây chủ yếu là để tất toán các khoản chi trả cho hàng hóa dịp cuối năm.
TS Cấn Văn Lực cho hay: “Doanh nghiệp và cá nhân hiện đang đứng trước nhiều lựa chọn: Hoặc là bán USD chuyển sang VND để hưởng mức lãi 6%/năm hoặc là bán ra dốc vốn vào một kênh đầu tư khác chứ không nhất thiết phải là kênh địa ốc".
Các chuyên gia cho rằng, việc lãi suất USD giảm về 0% khó có thể khiến
thị trường BĐS ấm lên. (Nguồn ảnh: Hải Nguyễn).
Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: “Có thể nói, mức giảm lãi suất tiền USD quá nhỏ để gọi là thiệt hại, chỉ giảm từ 0,25% để giảm xuống 0%/năm là chưa đủ mạnh nhằm thúc đẩy tạo ra sự chuyển dịch của dòng tiền vào lĩnh vực địa ốc. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng người gửi tiền thấy việc gửi USD không còn bất kỳ lợi nhuận nào nên kiếm ngành khác để đầu tư và kênh đầu tư họ chọn không nhất thiết phải là địa ốc".
Cần thận trọng với những cam kết 'khủng'
Trung tâm nghiên cứu BIDV dự báo, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong các nước thu hút được lượng kiều hối tốt nhất thế giới trong năm 2015. Lượng kiều hối năm 2015 ước tính đạt khoảng 13-14 tỷ USD.
Với 'đòn bẩy' lãi suất tiền đồng xuống mức 6%/năm, lãi suất gửi USD xuống còn 0% thị trường địa ốc đang trỗi dậy mạnh mẽ với những cam kết ưu đãi khủng để hút dòng tiền.
Chẳng hạn như, cam kết lợi nhuận lên đến 12%/năm cho khách hàng khi mua đất nền hoặc chủ đầu tư hứa hẹn mang lại lợi nhuận tối thiểu 6 triệu đồng/tháng cho nhà đầu tư đặt mua căn hộ...
Với những cam kết khủng, việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà và lãi suất hạ cho thấy, tại thị trường Hà Nội ghi nhận 5.300 giao dịch thành công trong 3 quý đầu năm 2015, so với năm ngoái con số này đã tăng hơn hẳn và tăng 70% so với cùng kỳ; tại Tp.HCM cũng có tới 5.100 giao dịch thành công.
Thực tế cho thấy, khi lượng giao dịch tăng cũng đẩy giá bán tăng tại nhiều dự án từ 5% đến thậm chí hơn 20% so với đầu năm.
Song, nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng, vẫn nên hết sức thận trọng khi dốc hết vốn vào BĐS bởi ở thời điểm này giá BĐS tại một số dự án đã bị đẩy lên quá cao, ngang bằng mức giá 'sốt nóng' nhà đất của năm 2011.
Mặt khác, dù thị trường địa ốc có sự phục hồi nhưng lượng tồn kho vẫn còn khá lớn. Cụ thể, Hiện Hà Nội có lượng tồn kho BĐS khoảng 7.550 tỷ đồng, còn tại Tp.HCM còn khoảng 11.368 tỷ đồng.
Một chuyên gia khuyến cáo: “Không có lý gì mà đổ xô vào BĐS, từ đó tạo thời cơ để một số chủ đầu tư trục lợi làm giá”.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường địa ốc đang phát triển trở lại, nhưng không loại trừ có những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tầm nhìn ngắn hạn gây ra hiện tượng kích giá, thổi giá, găm hàng,… tạo mối họa cho thị trường.
Hơn bao giờ hết, đầu tư BĐS lại cần một cái đầu lạnh như lúc này.