Cùng "bắt tay" để kiểm soát dòng tiền
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân, tính thanh khoản trên thị trường tài chính sẽ chịu ảnh hưởng không ít từ việc thu hút dòng tiền vào thị trường bất động sản. Bởi, hiện nay, bất động sản được đánh giá là một trong những kênh "hút" vốn nhiều nhất trong năm 2015.
Song, vị chuyên gia này cũng cảnh bảo, thị trường dễ "lên cơn sốt" khi dòng tiền chảy mạnh vào kênh này sẽ tạo nên áp lực về giá là điều khó tránh khỏi. Từ đó, sẽ rất dễ dẫn đến sự suy thoái của bất động sản. Nếu dòng tiền đột ngột giảm mạnh sẽ dẫn đến tình trạng "sốc", thanh khoản bị "chênh", nguy cơ nợ xấu và thị trường tài chính lại rơi vào những rủi ro khó đoán định.
"Hệ quả này chúng ta đã phải gánh chịu trong thời gian qua. Đây là bài học mà cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản đều phải rút kinh nghiệm sâu sắc", TS. Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh.
Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể thấy, sự tác động trong mối quan hệ giữa dòng tiền và bất động sản mang tính tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Có lẽ đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc vì sao giới ngân hàng lại rất dè dặt "rót" tiền vào bất động sản nhiều năm nay.
Song, từ thời điểm năm 2014, thị trường bất động sản đã dần có tín hiệu khởi sắc, mà nhà ở là phân khúc đi tiên phong, đem lại luồng sinh khí mới cho thị trường này.
Nắm bắt được thực tế trên, giới ngân hàng bắt đầu đi "lùng" những doanh nghiệp bất động sản có năng lực kinh doanh, có tiềm năng để giải phóng lượng "tiền thừa". Các chuyên gia tài chính cho biết, rất cần cái bắt tay chặt hơn giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản để dòng tiền trong bất động sản đi đúng hướng, tránh bị chiếm dụng.
Có khó tìm vốn cho bất động sản?
Nhiều chuyên gia đã có cái nhìn tương đối lạc quan khi dự báo về dòng tài chính dành cho bất động sản trong năm 2015. TS. Lê Bá Chí Nhân nhận định, bất động sản là một tài sản không mất đi, mà cũng không bị hao mòn theo thời gian như các loại tài sản khác. Cùng với đó, tâm lý muốn sở hữu bất động sản luôn là tâm lý số đông. Đây là lợi thế đặc thù để nhiều cá nhân, tổ chức rót tiền vào bất động sản.
|
"Bất động sản là loại tài sản đặc thù, không mất đi, không hao mòn theo thời gian nên thu hút nhiều người rót tiền đầu tư", TS. Lê Bá Chí Nhân (Ảnh minh họa, nguồn: nganhangplus). |
TS. Vũ Đình Ánh cũng đánh giá, nguồn vốn huy động trong năm 2015 vẫn ổn định bởi, người dân cho rằng gửi tiết kiệm là kênh an toàn nên lựa chọn. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng "chảy" vào doanh nghiệp có thể sẽ dồi dào hơn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Ngoài ra, kiều hối cũng là một dòng tiền khá dồi dào trong năm 2015. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, Việt Nam thu hút khoảng 12 tỷ USD kiều hối trong năm 2014 và phần lớn là nằm trong hệ thống ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể đổ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo thông tin mới đây từ Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất gói tín dụng 50.000 tỷ đồng với mục đích hỗ trợ cho phân khúc nhà ở thương mại, lãi suất khoảng 7%/năm trong thời gian tối thiểu là 10 năm. Đây được đánh giá là một trong những tín hiệu vui cho thị trường. Song, vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa thực sự thiết tha với đề xuất này, bởi tâm lý e ngại vết xe đổ của gói 30.000 tỷ đồng dành cho phân khúc nhà giá rẻ.
Các chuyên gia cũng phân tích, một khi thị trường tài chính hoạt động có hiệu quả và bắt nhịp cùng với guồng máy hoạt động sản xuất, kinh doanh thì việc tung ra gói này, gói nọ sẽ không còn ý nghĩa nữa. Và lúc đó, năng lực của doanh nghiệp sẽ quyết định nguồn vốn đầu tư của mình.