Theo Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng, hội nghị tòa nhà chung cư phải được tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chung cư đó được đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã bàn giao. Tuy nhiên, nhiều chung cư ở TP HCM đã lấp đầy và đưa vào sử dụng nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có ban quản trị (BQT) khiến quyền lợi cư dân bị ảnh hưởng.
Chờ đợi mỏi mòn
Chung cư Khang Gia Tân Hương (phường Tân Quý, quận Tân Phú) cho cư dân vào ở từ năm 2014. Mặc dù sinh sống được gần 3 năm nhưng các cư dân vẫn chưa có một tổ chức đứng ra đại diện cho quyền lợi của mình. Sau đó, các cư dân đã gửi đơn đến nhiều nơi yêu cầu thành lập BQT chung cư. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn chưa mặn mà trong việc hợp tác với chính quyền địa phương cùng các cư dân. UBND phường Tân Quý đã gửi thư mời đại diện chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển địa ốc Khang Gia đến dự cũng như cung cấp hồ sơ cho hội nghị tòa nhà chung cư lần đầu nhưng chủ đầu tư lại hẹn lần này đến lần khác. Ngày 31-3-2017, UBND phường Tân Quý tiếp tục mời cư dân và chủ đầu tư làm việc để tổ chức hội nghị tòa nhà chung cư lần đầu.
|
Hội nghị bầu Ban Quản trị chung cư Tân Tạo diễn ra tháng 1-2017 bị thất bại vì tranh cãi chuyện thu - chi Ảnh: LÊ PHONG |
Theo đó, hội nghị tòa nhà chung cư lần đầu dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 14-5 tại UBND phường Tân Quý nhưng chỉ có 338 hộ được tham dự dù có hơn 400 hộ. Những hộ còn lại không được tham dự vì mua nhà của chủ đầu tư tự ý phân lô ở tầng trệt và tầng lửng không thuộc danh sách những căn hộ được cấp theo giấy phép xây dựng. Như vậy, quyền lợi của cư dân ở đây bị treo lơ lửng bởi những căn nhà không phép, đến quyền về bầu BQT cũng bị mất. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều cư dân bức xúc trước việc chủ đầu tư tự ý thay đổi kết cấu, công năng của căn hộ mà không thông báo, thỏa thuận với người dân. Mặt khác, quỹ bảo trì hiện còn bao nhiêu vẫn là một ẩn số. Các loại phí do các đơn vị cung cấp dịch vụ thiếu tính minh bạch, không thông qua đấu thầu để có chất lượng tốt và giá cả phù hợp.
|
Sau nhiều năm, chung cư Era Town mới tổ chức được hội nghị ở 1 trong 8 block nhưng vẫn chưa có kết quả Ảnh: SỸ ĐÔNG |
Tương tự, chung cư Hà Đô (phường 3, quận Gò Vấp) vẫn chưa có BQT khiến quyền lợi của người dân không được bảo vệ. Phần sân trước chung cư để cho mọi người đi dạo, tập thể dục trở thành chợ. Từ khi chung cư này ra đời, địa phương thêm gánh nặng vì mất an ninh trật tự, chợ tự phát chiếm dụng vỉa hè, ùn tắc giao thông… Đại diện UBND phường 3 cho biết đã nhiều lần nhắc nhở chủ đầu tư thành lập BQT nhưng đến nay vẫn chưa có nên việc quản lý chung cư bị buông lỏng.
Chia nhỏ để… bầu nhiều lần
Đối với các chung cư có nhiều block riêng lẻ, chủ đầu tư tách việc thành lập BQT ở từng block khiến thời gian bầu cho cả cụm bị kéo dài. Đơn cử như chung cư Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7) do Công ty CP Đức Khải làm chủ đầu tư. Một cư dân ngụ tầng 24 cho biết từ tháng 12-2015, các cư dân đã yêu cầu chủ đầu tư tổ chức hội nghị tòa nhà chung cư bởi trong nhiều năm, các cư dân không có người đại diện. Vào thời điểm trên, chủ đầu tư cho rằng dự án chung cư Era Town được Bộ Xây dựng nghiệm thu vào tháng 10-2014 nên không chậm trong việc tổ chức hội nghị tòa nhà chung cư.
Tuy nhiên, theo nhiều cư dân, họ được chủ đầu tư bàn giao căn hộ và bắt đầu dọn vào ở từ tháng 4-2013 và không biết chung cư đã được nghiệm thu hay chưa. “Nếu chủ đầu tư nói tháng 10-2014 mới được nghiệm thu thì việc chúng tôi vào ở chẳng khác gì chuột bạch” - một cư dân bức xúc.
Ngoài ra, nhiều cư dân viện dẫn mức phí ở chung cư Era Town đắt đỏ hơn so với xung quanh. Cụ thể, phí quản lý 7.600 đồng/m2/tháng, phí giữ xe máy 80.000 đồng/tháng và ô tô là 750.000 đồng/tháng, trong khi các chung cư gần đó chỉ bằng 2/3.
Điều đáng nói là mỗi khi cư dân gửi đơn phản ánh với chủ đầu tư hoặc các cơ quan chức năng thì lại có hiện tượng “cúp nước” đột xuất. Cư dân mong chờ việc thành lập BQT để đại diện tiếng nói của họ trong vấn đề chi phí quản lý cũng như bảo vệ nguồn quỹ bảo trì dùng trong tương lai.
Cuối năm 2016, chủ đầu tư đã tổ chức hội nghị ở block B2 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. “Một block mà mất hơn 3 tháng vẫn chưa có kết quả thì 8 block của toàn chung cư đến khi nào mới xong. Đây có phải là chiêu trò của chủ đầu tư nhằm trì hoãn thành lập BQT để giữ lại phí bảo trì lâu hơn?” - một cư dân đặt vấn đề.
Nhập nhằng thu - chi
Suốt 2 năm qua, cư dân chung cư Tân Tạo (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) liên tục mang đơn đến khắp nơi để phản ánh việc thu - chi bất thường ở đây. “Mỗi tháng, chúng tôi đều đóng phí quản lý cho BQT nhưng không thấy sử dụng nhiều vào việc trùng tu, sửa chữa. Khi phát hiện nhiều dấu hiệu mập mờ trong thu - chi thì những người liên quan nộp đơn từ chức để chối bỏ trách nhiệm” - ông Lê Minh Nhân (ngụ căn hộ A303) và nhiều cư dân bức xúc.
Theo ông Nhân, đầu tháng 12-2015, cư dân chung cư Tân Tạo có bầu BQT mới. Lúc này, ông Lê Ngọc Hiển, trưởng BQT, tự đứng ra ký hợp đồng với Công ty TNHH Quản lý vận hành cao ốc Bá Kim (Công ty Bá Kim) để quản lý, vận hành chung cư.
Tuy nhiên, quá trình thu tiền, cư dân phát hiện các đơn vị bảo vệ, vệ sinh, chăm sóc cây xanh, bảo trì thang máy do BQT tự thuê riêng để vận hành. Sau đó, hàng chục cư dân đã nộp đơn khiếu nại và ông Hiển trình ra 2 bản hợp đồng với Công ty Bá Kim có thời hạn từ ngày 16-12-2015 đến 15-3-2016 và 15-3 đến 30-6-2016.
Thế nhưng, tài liệu mà phóng viên có được cho thấy Công ty Bá Kim không thu phí dịch vụ quản lý căn hộ tại chung cư Tân Tạo và không xuất hóa đơn phiếu thu tiền. Theo đó, đơn vị này làm việc với BQT chung cư Tân Tạo chỉ 2 ngày (từ 15-12-2015 đến 16-12-2015) rồi nghỉ vì BQT không cung cấp danh sách các hộ dân nên không thực hiện việc thu phí quản lý của các căn hộ.
Giải thích việc vì sao Công ty Bá Kim không còn thu phí nhưng nhiều tháng qua, cư dân nhận được phiếu thu trên đó có con dấu tên công ty này, mỗi tháng số tiền cư dân đóng sẽ thuộc về ai? Người đại diện Công ty Bá Kim lý giải sau khi ủy quyền, doanh nghiệp đã giao toàn bộ quyền thu - chi cho BQT chung cư thực hiện.
Trong quá trình thu hồi mẫu phiếu thu và dấu để hủy thì ông Hiển đã xin giữ lại vì BQT mới bầu mà không thực hiện được nhiệm vụ sẽ mất uy tín. Do đó, thay vì tìm đơn vị quản lý mới, BQT sẽ trực tiếp thu các khoản phí trên cơ sở mượn con dấu, danh nghĩa Công ty Bá Kim (!?).