Chỉ hai trong 15 dự án sân golf ở Bình Thuận hoạt động. Trong số còn lại, có dự án được cấp phép từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa đả động đến chuyện đầu tư.
Hầu hết các sân golf của Bình Thuận đều được nhà đầu tư ngắm ở những vùng đất đắc địa ven biển. Đất ven biển của Bình Thuận nổi tiếng nhiều cát đen (titan), một loại khoáng sản có giá trị kinh tế rất cao.
Chưa triển khai dự án, đã rao bán nền biệt thự
Theo một cán bộ của huyện Hàm Thuận Nam, nếu nhìn hướng tích cực thì khoáng sản đã “cản” các nhà đầu tư triển khai dự án sân golf. Thực tế bên trong, không tránh khỏi chuỵên các dự án sân golf được lập ra cốt để hưởng lợi từ khoáng sản, vì những dự án sân golf ven biển đều chiếm diện tích rất lớn.
Một trong những dự án golf gây nhiều phản ứng vì triển khai chậm là dự án đầu tư hai sân golf 18 lỗ của công ty Shasi Development, được cấp phép từ năm 2004, tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, có diện tích đất hơn 600 ha. Đã cấp phép 5 năm nhưng nhà đầu tư vẫn không được giao đất vì toàn bộ dự án nằm dưới mỏ cát đen. Hiện UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp phép cho một nhà đầu tư khác khai thác cát đen, trước khi giao cho công ty Shasi Development xây dựng sân golf. Tuy nhiên, do trữ lượng cát đen quá lớn nên chưa biết đến khi nào mới có đất “sạch khoáng sản”. Điều đáng nói là tại khu vực này, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, đất đai bị cày xới, lượng nước ngầm cạn kiệt.
Dự án sân golf 27 lỗ thuộc khu nhà nghỉ, biệt thự và sân golf Sơn Mỹ cũng được cấp phép từ năm 2006, đến nay mới chỉ có vài ha trồng cỏ. Nguyên nhân là phải khai thác cát đen trên phần đất này. Người dân địa phương cho rằng chủ đầu tư sân golf cũng chính là doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát đen. Việc sân golf triển khai chậm làm người dân Sơn Mỹ khó khăn vì thêm một dự án treo trên địa bàn.
Đây cũng là trường hợp của dự án Khu sân golf và biệt thự Hàm Thuận Nam, có diện tích 136 ha, được đầu tư tại xã Tân Thành. Sân golf này cũng nằm trên mỏ cát đen dồi dào. Sau khi cấp dự án đầu tư sân golf, tỉnh mới cấp phép cho một doanh nghiệp khác khai thác cát đen, việc khai thác chỉ mới thực hiện giữa năm 2009.
Ngoài những sân golf dính khoáng sản, có nhiều sân golf kéo dài thời gian đầu tư không có lý do. Sân golf 18 lỗ Casalle Hills được cấp phép từ năm 2003, đến giờ chưa hoàn thiện công tác đền bù giải tỏa nhưng đã rao bán đất nền biệt thự. Sân golf Sea Link ở nội thành Phan Thiết cũng rao bán nền với giá từ 4 - 5 tỷ đồng một biệt thự.
"Sân golf giúp Bình Thuận tạo cảnh quan"
Ông Nguyễn Hồng Chín, một cán bộ hưu trí của phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, lo lắng: "Không chỉ đất ven biển dần rơi vào tay các nhà đầu cơ, kinh doanh bất động sản, mà môi trường sẽ là một thách thức lớn với vùng đất này". Theo ông Chín, tuy những vùng đất dành cho golf phần lớn là đất bạc màu, thiếu nước ngầm nhưng nếu dành hết cho sân golf thì lượng nước ngầm vốn rất hiếm hoi của Bình Thuận lại càng cạn kiệt. Đi kèm với môi trường là người dân mất việc làm.
Đây cũng là nỗi lo của chính quyền huỵên Hàm Tân trước áp lực phải giải quyết việc làm cho hàng trăm hộ dân nông nghiệp mất ruộng, mất đất. Ông Nguyễn Văn Trường, cán bộ hưu trí phường Mũi Né, Phan Thiết, cho rằng: "Phải tính toán lại và không nên cấp phép quá nhiều sân golf. Bình Thuận là vùng du lịch, nên đầu tư đa dạng các loại hình vui chơi giải trí phục vụ du khách, không thể chỉ có biệt thự và golf!".
Ngược lại, ông Lương Văn Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Thuận, cho rằng: "Việc hình thành các sân golf ở đây là có lợi, tạo cảnh quan cho vùng cát trắng ven biển!". Ông Hải không đồng ý về việc nói rằng Bình Thuận có nhiều sân golf, vì thực tế các dự án sân golf đều là tổ hợp du lịch, dịch vụ, gắn kết nhiều loại hình… và đây là xu thế mới, tất yếu.
Lý giải về việc các chủ dự án sân golf bán nền biệt thự, ông Hải nói: “Việc bán biệt thự cũng mang lại doanh thu cho ngân sách nhà nước. Trong một dự án sân golf, đất dành cho golf và du lịch là cho thuê. Còn đất biệt thự là phải quy hoạch mục đích sử dụng lâu dài, bởi vậy coi như là bán; mà đất bán thì ngân sách thu được tiền. Chủ đầu tư xài đất bằng mục đích nào thì phải đóng tiền theo mục đích đó!".
Ông Hải còn cho rằng, 15 dự án sân golf của Bình Thuận hiện nay là quy hoạch đến năm 2020. Thời điểm này tỉnh sẽ không cấp thêm dự án nào, chờ chủ trương mới của chính phủ cho phép sân golf được sở hữu bao nhiêu diện tích, mới tiếp tục cân đối có nên cấp phép nữa hay không.
(Theo Đất Việt)