Thời gian gần đây, đất ruộng lại trở thành thứ hàng “nóng” được giới buôn bán nhà đất săn lùng, đặc biệt là các dự án trên địa bàn Hà Tây cũ.
Nghị định 69/2009 của Chính phủ (ban hành ngày 13/8/2009), có hiệu lực từ 1/10, với quy định mới sẽ đưa giá đền bù đất nông nghiệp lên cao hơn được xem là một “cú huých” mới, làm “nóng” thị trường mua bán đất nông nghiệp.
Đất ruộng “lên đời”
Đến xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) những ngày này, sau chén trà, cốc nước không phải là câu chuyện nhà nông mà là chuyện bán ruộng, bán vườn. Cự Khê nằm dọc trục đường phía nam Hà Tây (cũ), cùng các xã Phú Lương, Kiến Hưng (Hà Đông) và xã Mỹ Hưng huyện Thanh Oai, trên địa bàn 4 xã này, hiện có 3 khu đô thị với tổng diện tích hơn 570 ha, đang được triển khai là Thanh Hà A, Thanh Hà B và Mỹ Hưng, đều của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5). Từ mấy tháng nay, ở đây người dân đang rộ lên “phong trào” bán đất ruộng, đất vườn.
Tiếp chúng tôi tại một văn phòng môi giới nhà đất nằm trên một tuyến đường đang làm dở, khói bụi mịt mù, Đ – chủ văn phòng hí hửng khoe: “Bây giờ bụi bẩn thế này thôi, nhưng văn phòng tôi ở vị trí này là cực kỳ đắc địa. Nó là nơi giao cắt của 2 trục đường chính đấy”. Vừa nói Đ vừa chỉ tay lên mấy tấm bản đồ quy hoạch dự án treo đầy tường. Tiếp xúc với người dân địa phương mới thấy, không ít người có cùng niềm lạc quan như Đ, về một viễn cảnh đổi đời trong vài ba năm tới, khi những khu đô thị mọc lên.
Văn phòng nhà đất của Đ chỉ là một trong hàng chục văn phòng môi giới nhà đất ở khu vực này. Ông Ninh, 64 tuổi, một người dân ở xã Phú Lương cho biết: “Có sáng thức dậy thấy có đến 3- 4 văn phòng môi giới mới mở cửa”. Con đường chạy qua văn phòng của Đ chưa có tên, còn đang làm dở, bụi mịt mù nhưng hàng chục văn phòng môi giới nhà đất đã kịp mở ra. Đ cho biết, thời gian gần đây có rất nhiều người đến tìm mua đất ruộng. Đất ruộng ở đây hiện đang được bán dưới hình thức chuyển quyền canh tác.
Giá tăng chóng mặt!
Theo những nhà môi giới nhà đất địa phương thì Nghị định 69/2009 quy định về hỗ trợ, bồi thường thu hồi đất nông nghiệp sát giá thị trường là “cú huých” làm nên sự sôi động này. Mặt khác, theo các chuyên gia nhà đất, thông tin Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép tiếp tục triển khai 240 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trong khu vực từ Vành đai III đến sông Đáy cũng hứa hẹn thời gian sắp tới sẽ có nhiều dự án được triển khai là động lực để thị trường nhà đất khu vực này sôi động trở lại.
Theo quy định, mỗi sào đất ruộng bị mất, người dân sẽ được hưởng một phần đất dịch vụ 10%, tức khoảng 36m2 và một khoản tiền hỗ trợ đào tạo nghề. Phần đất dịch vụ này được trả cho người dân với ý nghĩa là để người dân mất đất xây nhà hoặc mở cửa hàng buôn bán, tạo lập nghề mới. Tuy nhiên, quá trình kể từ khi có quy hoạch dự án đến khi đền bù giải phóng mặt bằng thường kéo dài hàng năm trời. Nhiều người dân đã không đợi được đến khi dự án đền bù mà sớm “bán lúa non” phần ruộng của mình dưới hình thức “chuyển quyền canh tác” để lấy “tiền tươi”. Theo các thoả thuận mua bán, người mua những phần ruộng này khi dự án đền bù sẽ được hưởng toàn bộ các quyền lợi của chủ đất canh tác đã bán. Trong đó, phần hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn nhất chính là đất dịch vụ 10%, phần đất sẽ nằm trong khu vực xây nhà ở của các dự án đô thị.
Câu chuyện mua đất “trên giấy”, mua bán chuyển nhượng đất canh tác này không phải là mới. Nó đã diễn ra từ nhiều năm nay, khi các dự án đô thị đua nhau mọc lên, điển hình là ở xã Vân Canh huyện Hoài Đức năm 2007 – 2008. Đầu năm 2009, khi thị trường nhà đất ảm đạm, phong trào này mới xẹp xuống. Đến nay, khi kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, khi các dự án đang khởi động trở lại, đặc biệt là do những quy định mới của Nghị định 69, thị trường mua bán đất dịch vụ, đất nông nghiệp lại rộ lên.
Theo ghi nhận của tại các văn phòng môi giới nhà đất trên địa bàn huyện Thanh Oai và quận Hà Đông, giá đất ruộng đang tăng khá nhanh. Hồi đầu năm một sào đất ruộng chuyển quyền canh tác chỉ có giá 56 - 60 triệu đồng thì nay đã lên đến 80 - 90 triệu đồng/sào. Cá biệt có xã như Phú Lương, đất ruộng đang được rao bán với giá 130 triệu đồng/sào. Ở các xã Kiến Hưng, Cự Khê, Mỹ Hưng giá có thấp hơn nhưng cũng khoảng 82- 90 triệu đồng/sào.
Hiện ở đây có 2 hình thức mua chính: Mua bán trao tay luôn phần đất dịch vụ 10%, hoặc “mua đứt” luôn cả sào ruộng dưới dạng chuyển quyền canh tác. Theo các tay môi giới nhà đất địa phương, đa số người mua chọn hình thức mua chuyển quyền canh tác. Với hình thức mua này, người mua sẽ an toàn hơn vì sẽ có đầy đủ chứng nhận của xã. Đ cho biết, người mua không chỉ là những chủ đầu tư, thợ săn đất mà nhiều cán bộ, công chức Hà Nội cũng xuống tìm mua.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, anh Ph, một cán bộ xã thừa nhận, hiện nay việc mua bán, chuyển quyền canh tác đất ruộng trên địa bàn xã rất rầm rộ. Khi chúng tôi đặt vấn đề hỏi mua đất của nhà Ph thì anh ta cười: “Tôi còn đang tìm mua không được”. Tuy vậy, theo anh Ph, nếu chúng tôi muốn mua có thể nhờ người quen, có hộ khẩu ở xã mua hộ, như vậy thủ tục đơn giản chỉ cần có chữ ký xác nhận của trưởng thôn là được. Nếu muốn có dấu và chữ ký của xã thì khó hơn (!?). Tuy nhiên, Đ khẳng định: “Có đủ “quen biết” đảm bảo mọi thủ tục có dấu, chữ ký của xã đàng hoàng”.
(Theo GĐXH)