SearchNews

Thị trường bất động sản diễn biến ra sao sau đại dịch?

01/11/2021 08:03

Dự báo, trong quý 4/2021 có thể có từ 3.500 - 4.500 nguồn cung căn hộ mới tại khu vực TP.HCM và vùng phụ cận được giới thiệu ra thị trường. Với nhiều dự án mở bán mới, giá bất động sản có thể sẽ tăng lên.

Vừa qua, Báo Tiền Phong đã tổ chức "Hội thảo Triển vọng thị trường bất động sản sau Covid-19" tại hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM. Tham gia hội thảo có đại diện của Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, tài chính và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp địa ốc.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định thị trường đang hồi phục tích cực, có khả năng sẽ ấm dần lên trong thời gian tới. Qua đó, giúp nhà đầu tư cũng như người dân nhìn nhận rõ hơn các cơ hội của thị trường bất động sản phía Nam và nhiều địa phương khác sau đại dịch Covid-19.

Thị trường bất động sản đang hồi phục tích cực

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), ông Hà Quang Hưng, đại dịch Covid-19 đã có nhiều tác động, ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung và thị trường địa ốc nói riêng trong năm 2020. Hiện tại, thị trường bất động sản đang dần phục hồi với khá nhiều tín hiệu tích cực.

Sau khi đợt dịch Covid-19 thứ ba được kiểm soát, thị trường ghi nhận các dấu hiệu dần phục hồi. Số liệu thống kê nửa đầu năm 2021 cho biết, về nguồn cung, thị trường có 180 dự án với 55.576 căn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Về lượng giao dịch, có 55.335 giao dịch thành công, so với cùng kỳ tăng 29%.

hình ảnh một góc TP.HCM lúc bình minh
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đang phục hồi tích cực.

Để giúp thị trường "trỗi dậy" sau dịch, Bộ Xây dựng vừa đề xuất gói tín dụng 15.000 tỷ đồng theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển các dự án nhà ở xã hội. Cùng với đó là gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo cơ chế đặc thù để phục hồi kinh tế đến năm 2023 thông qua tái cấp vốn để các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi.

Bàn về diễn biến thị trường sau đại dịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi, ông Nguyễn Thanh Quyền cho hay, thị trường cuối năm 2021 và năm 2022 sẽ chia làm 4 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, từ ngày 01/10/2021 đến 17/01/2022 là thời điểm tăng trưởng trở lại khoảng 5 - 10%. Giai đoạn thứ hai, từ ngày 18/01/2022 đến 15/02/2022, thị trường tạm nghỉ ngơi bởi trùng với Tết Nguyên Đán.

Giai đoạn thứ ba, từ ngày 16/02/2021 đến 31/03/2022, đây là giai đoạn tăng trưởng, với mức tăng khoảng 10 - 15%. Nhiều khả năng, khách hàng, nhà đầu tư sẽ chốt chứng khoán và rót tiền vào thị trường nhà đất. 

Giai đoạn thứ tư kéo dài khoảng 3 tháng, lúc này thị trường có tâm thế "giằng co" và tăng nhẹ khoảng 5%. Giai đoạn này sẽ quyết định thị trường ấm lên bao nhiêu.

Theo ông Quyền, nhà đầu tư nên ưu tiên tỷ lệ lấp đầy của bất động sản thay vì dùng đòn bẫy tài chính quá lớn để "lướt sóng". Với những dự án vùng ven đầu tư từ 03 năm trở lên cần được cân nhắc với lãi suất cộng gộp khoảng 20 - 30%.

Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển R&D DKRA Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng nhìn nhận, các chủ đầu tư trong một tháng qua đang cố gắng giành giật lại những gì đã mất trong thời gian giãn cách xã hội.

Ông Hoàng phân tích, trong thời gian giãn cách, nhiều ý kiến cho rằng thị trường bị "đóng băng", tủy nhiên chỉ trong tháng 7, sang tháng 8, tháng 9, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang bán hàng online và thị trường dần khởi sắc. Điều đó chứng tỏ, thị trường tuy có những suy giảm đáng kể nhưng vẫn có chuyển biến tích cực. Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn dòng tiền trong dân.

Chuyên gia này cho hay: "Từ đầu tháng 10 đến nay, việc giãn cách xã hội đã từng bước được nới lỏng, các hoạt động kinh tế - xã hội cũng dần trở về trạng thái bình thường mới. Thị trường bất động sản luôn nhanh nhạy phản ứng trước những thông tin chỉ đạo tích cực của chính quyền địa phương về mọi khía cạnh đời sống."

Thị trường sẽ "ấm" lên trong thời gian tới

Dự báo về thị trường bất động sản quý 4/2021, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển R&D DKRA Việt Nam đánh giá, so với quý 3, nguồn cung mới cũng như sức mua tại TP.HCM và các địa phương lân cận khác sẽ tích cực hơn. Trong 3 tháng cuối năm, nguồn cung căn hộ mới có thể sẽ tăng nhẹ, tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với các quý trước.

hình ảnh một góc thành phố nhìn từ trên cao với các tòa nhà cao tầng, dự án cao tầng đang xây dựng
Dự báo, từ quý 2/2022, bất động sản càng có đà tăng giá khi kinh tế phát triển trở lại, hoàn thành tiêm chủng toàn dân.

Về sức mua trong quý 4 sẽ diễn biến tương tự hoặc tăng nhẹ so với quý liền trước, tuy nhiên vẫn sụt giảm so với quý 1 hoặc cùng kỳ năm ngoái. Bởi lẽ, người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát.

Thị trường thứ cấp chưa thực sự tích cực và nó tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp. Sức mua trong quý 4 vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính, họ chọn bất động sản làm kênh đầu tư dài hạn, đa hạng hóa hoặc bảo toàn giá trị tài sản.

Với phân khúc căn hộ, đây là thị trường có nguồn cầu cao, nhất là căn hộ tầm trung được nhiều người mua nhà tìm kiếm, lựa chọn. Dự báo, trong quý 4, có thể có từ 3.500 - 4.500 căn hộ được đưa ra thị trường TP.HCM và vùng phụ cận.

TP.HCM và Bình Dương vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với khoảng 2.000 - 3.500 căn. Xét cả năm 2021, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM và vùng phụ cận dự kiến bằng khoảng 55% so với năm 2020.

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, ngoại trừ một số địa phương có kế hoạch áp dụng hộ chiếu xanh, phân khúc này vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực vì cho đến hết năm nay, các hoạt động du lịch vẫn chưa thể phục hồi mạnh.

Thời gian tới, phân khúc đất nền vùng ven vẫn là sản phẩm ưu tiên hàng đầu. Tuy thị trường không sôi động như hồi đầu năm nhưng vẫn có lượng giao dịch đáng kể, nhất là tại các địa phương có dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Trong những tháng còn lại của năm 2021, giao dịch bất động sản về cơ bản vẫn ổn định như quý 3. Tuy nhiên, thị trường vẫn sẽ đối mặt với áp lực tăng giá bởi chi phí đầu vào tăng, áp lực lạm phát... Tùy thế mạnh riêng, một số dự án sẽ có chiến lược tăng giá bán. Để hấp dẫn khách hàng, chủ đầu tư sẽ đẩy mạnh chính sách bán hàng như hỗ trợ lãi suất, chiết khấu, kéo dài thời gian thanh toán...

Theo đại diện của DKRA, áp lực tăng giá sẽ rất lớn vào năm 2022 bởi các yếu tố như chi phí đầu vào, chi phí vật liệu xây dựng tăng, lạm phát... Từ quý 2 năm sau, bất động sản càng có đà tăng giá khi kinh tế phát triển trở lại (dự báo GDP năm 2022 có thể lên mức 6,5 - 7,5%), Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân, bao gồm cả trẻ em.

Hiện Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua trong năm 2023. Theo các chuyên gia, việc sửa đổi luật sẽ góp phần khơi thông thị trường, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn.

 

Lam Giang (TH)

>> Giá chung cư Hà Nội, TP.HCM vẫn tăng giữa đại dịch

>> 8 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản đạt gần 1,6 tỷ USD

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu