Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trong tình trạng chưa tìm được nguồn vốn mạnh, có mức ổn định cao.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường, thiếu vốn là một căn bệnh của thị trường bất động sản chưa giải quyết được. Thị trường bất động sản sẽ rơi vào hoàn cảnh nóng lạnh thất thường, cục bộ, tức thời tùy theo khả năng tiếp cận với nguồn vốn.
Lâu nay, các doanh nghiệp bất động sản thường trông chờ nguồn vốn vào ngân hàng. Thống kê của ngân hàng nhà nước vào thời điểm 30/11/2009, tổng dư nợ trong lĩnh vực bất động sản 218 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 47,3% tổng số vốn huy động, Hà Nội chiếm 16,7%, còn lại các địa phương khác.
Trong năm 2009, dù định hướng tín dụng toàn ngành ngân hàng không ưu tiên đầu tư cho vay mua bán, kinh doanh bất động sản, nhưng các ngân hàng thương mại đã vận dụng cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận được phép vượt hơn 150% lãi suất cơ bản để cho vay trong lĩnh vực bất động sản với lãi suất từ 12,5% - 15,5%/năm tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng thanh toán.
Đến đầu tháng 1-2010 này, tình hình cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại chưa có sự cải thiện rõ rệt do tình hình thiếu nguồn vốn huy động. Qua thực tế và định hướng chính sách có thể dự báo vốn tín dụng ngân hàng vào bất động sản trong năm 2010 giữ được nhịp tăng nhẹ, nhưng vẫn không được cải thiện nhiều về tỉ trọng/tổng dư nợ cho vay.
Việc chính phủ đã cho phép các ngân hàng thương mại được chủ động điều chỉnh lãi suất huy động và lãi suất cho vay, sẽ tạo điều kiện để lãi suất cho vay đầu tư được điều chỉnh về mức thích hợp, tạo ra không khí sôi động hơn cho thị trường bất động sản. Mặc dù vậy, việc mở rộng tín dụng một cách ồ ạt vào thị trường bất động sản, nhất là phân khúc thị trường cao cấp sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây ra hiện tượng “bong bóng” bất động sản mới.
Chính sách cho vay của các ngân hàng không ổn định dẫn tới nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Việc ngân hàng thắt chặt mức cho vay không chỉ ảnh hưởng lớn đến tiến độ nhiều dự án mà còn đến nhu cầu mua của khách hàng và nhà đầu tư.
Một trong những giải pháp mà ông Đặng Hùng Võ đưa ra, đó là huy động vốn từ tiền tiết kiệm, nhàn rỗi của dân theo kiểu “mua bán nhà trên giấy” hay “vay vốn của người tiêu dụng và cam kết trả lại bằng nhà ở”. Theo ông Võ, đây sẽ là một biện pháp giải quyết nếu làm đúng sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư lẫn người mua nhà ở.
Tuy nhiên, đánh giá của Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam, giải pháp này còn nhiều bất cập và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn cho xã hội. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn TPHCM, Hà Nội đã nổ ra hàng chục vụ tranh chấp mua bán nhà, đất, căn hộ chung cư trên giấy. Điển hình như vụ, chủ đầu tư dự án The Montana Appartment và khách hàng ký hợp đồng mua bán căn hộ tại thời điểm khu đất làm dự án còn là một bãi đất trống.
Để huy động nguồn vốn tiết kiệm nhàn rỗi trong dân, ông Võ cho biết thêm, hệ thống quản lý phải đưa ra được hành lang pháp lý để hạn chế rủi ro. Giải quyết xong việc xây dựng cơ chế quản lý rủi ro sẽ là điều kiện để tăng thêm khả năng phát triển ổn định cho thị trường bất động sản.
Duy Khánh