Hội thảo do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thu hút nhiều chuyên gia, giới doanh nghiệp; lãnh đạo, chuyên viên, nghiên cứu sinh trường Đại học Kinh tế Quốc dân đến tham dự.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng , Nguyễn Trần Nam phát biểu tại buổi Hội thảo.
Thị trường BĐS đón nhận dòng tiền lớn
Trong bài phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam đưa ra nhận định: Dòng tiền trong xã hội đang chảy về thị trường BĐS. Tỷ giá ổn định, lãi suất ngân hàng giảm, thị trường vàng được kiểm soát tốt. Tính đến tháng 11, tăng trưởng tín dụng chung trên 7%, lĩnh vực BĐS tăng trưởng trên 12%. So với dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực khác, dòng tiền chảy vào BĐS nhanh hơn, nhiều hơn nhiều. Điều này cho thấy nhu cầu về BĐS của người dân rất lớn.
Từ đầu năm 2013 đến nay, lượng giao dịch liên tục tăng. Đến tháng 11/2014, tại Hà Nội có gần 10.000 giao dịch thành công, đồng nghĩa có khoảng gần 1.000 giao dịch/tháng , tăng 100% so với cùng kỳ năm 2013. Tại Tp. HCM, có khoảng trên 6.500 giao dịch thành công, tương đương gần 600 giao dịch/tháng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy lượng giao dịch tăng nhưng giá ổn định, chỉ trừ một số dự án có vị trí đẹp, hoặc đặc biệt giá tăng nhẹ.
Cơ cấu hàng hóa BĐS trên thị trường hiện đã được điều chỉnh theo hướng phù hợp với nhu cầu thực, khả năng thanh toán thực của khách mua nhà. Các chủ đầu tư có cân đối hơn trong vấn đề định hướng lợi nhuận, có nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm đến dịch vụ cho khách hàng, gần như không còn xảy ra việc đưa đi đẩy lại, xem các dự án như những quả bóng chuyền tay.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định: “Giá nhà tại Việt Nam không cao mà cơ bản là do lương của người lao động Việt Nam thấp. Thị trường giờ giao dịch cái gì cũng tính theo giá quốc tế, từ sắt thép, kính, cho đến xi măng, vật liệu xây dựng... Trong khi đó, lương của cán bộ công nhân viên chỉ có 2-3 triệu đồng/tháng. Chưa có thống kê nào xếp Việt Nam nằm trong top 20 nước có giá nhà cao nhất cả".
Bảo lãnh của ngân hàng, điểm "siết" cần phải có
Trao đổi với Phóng viên Báo Xây dựng về quy định chủ đầu tư phải có sự bảo lãnh của ngân hàng tại Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam chia sẻ: Trước thực trạng thị trường BĐS đang thừa nguồn cung như hiện nay, việc quy định khi chủ đầu tư bán nhà phải có sự bảo lãnh của ngân hàng là điểm siết cần phải có để hạn chế nhà đầu tư yếu kém không đủ năng lực, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng được mua sản phẩm có bảo lãnh, giảm nguồn cung ảo trong khi hàng tồn kho hiện nay còn nhiều.
Thứ trưởng nói thêm: “Đã đến lúc doanh nghiệp và người dân nên quen dần với việc trả phí cho dịch vụ để được hưởng những tư vấn tốt nhất về pháp lý tránh rủi ro như bảo lãnh ngân hàng hay thuê luật sư”.
Mặt bằng giá nhà ở mức ổn định
Các chuyên gia nhận định, mặt bằng giá nhà ổn định.
Tiến sĩ Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch - đầu tư) khi đánh giá về mặt bằng giá BĐS có cho ý kiến: Mặt bằng giá nhà ở hiện tương đối ổn định, không tiếp tục giảm. Khác với giai đoạn 2011-2013, nhiều dự án đã giảm trên 30%, thì thời gian gần đây giá đã ổn định và không giảm tiếp. Một số dự án có vị trí tốt hoặc đặc biệt giá có tăng nhẹ từ 1-2%.
Tiến sĩ Chung chia sẻ: “Hoạt động chào bán các dự án tại phân khúc cao cấp diễn ra khá sôi động với các chương trình khuyến mãi lớn như: tặng xe hơi, gói nội thất, … Đặc biệt, mức giá tại nhiều dự án đồng loạt giảm xuống dưới 30 triệu đồng/m2. Giải quyết lượng căn hộ tồn kho lớn là mục tiêu hàng đầu của các chủ đầu tư trong giai đoạn hiện nay".
Đánh giá về nguồn vốn của người dân vào thị trường BĐS, Tiến sĩ Hoàng Kim Huyền, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: Xu hướng đầu tư hộ gia đình vào thị trường BĐS cũng đang tăng trở lại cùng với sự ấm lên của thị trường này. Khảo sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vào tháng 8 vừa qua cho thấy, khi được hỏi thì 24% người dân cho biết có đầu tư vào BĐS, so với khảo sát 6 tháng trước đó tăng 11 điểm. Kết quả này cho thấy, thị trường BĐS đã tạo lập được niềm tin và trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với người dân.