Làn sóng tăng giá vật liệu
Theo quyết định của Bộ Công Thương, mức thuế tạm thời đối với phôi thép là 23,3%, thép dài là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Trước đó, thuế nhập khẩu đối với phôi thép là 10%, thép dài 0%-5%.
Sau quyết định này, giá thép trong nước tăng mạnh và thị trường có hiện tượng găm hàng, đầu cơ.
Trước hiện tượng này, Bộ Công Thương cho rằng đây có thể là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp tiêu thụ thép trên thị trường.
Trong thời gian qua, việc tăng giá thép đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp BĐS và các nhà thầu xây dựng, gây tâm lý hoang mang. Thép và xi măng giữ vai trò quan trọng trong việc cấu thành sản phẩm đặc biệt là khi dự án đang triển khai xây dựng phần móng và phần trụ của dự án.
Khi giá đầu vào tăng cao thì giá bán ra cũng phải tăng lên để cân đối lợi nhuận cho doanh nghiệp, chính vì vậy khi giá thép tăng buộc doanh nghiệp đầu tư xây dựng phải có sự cân đối về mức giá chào bán ra thị trường. Một trong các giải pháp nhà thầu này đưa ra là với các dự án đang dự thầu buộc phải tăng giá.
Giá thép tác động tới thị trường BĐS (ảnh minh họa)
Đại diện một công ty xây dựng cho hay, thép và xi măng thường chiếm khoảng 30%-40% cấu thành giá sản phẩm. Chính vì vậy giá thép tăng đột biến chắc chắn sẽ đẩy giá nhà tăng, đồng thời làm vỡ kế hoạch kinh doanh, thậm chí gây lỗ nặng cho nhà đầu tư.
Đối với nhà ở xây dựng riêng lẻ, thép chiếm khoảng 20% tổng giá trị phần thô, do đó giá thép tăng cũng làm ảnh hưởng đến thị phần này. Đó cũng là lý do nhiều nhà thầu không muốn nhận thêm các công trình phải thi công phần móng, bởi đây là công đoạn phải sử dụng quá nhiều thép và VLXD khác.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, TGĐ Công ty Xây dựng Lê Thành, thép tăng trong giai đoạn ngắn hạn thì nhà thầu là người chịu hậu quả vì hầu hết các dự án đang xây dựng giai đoạn này đều giao hết cho nhà thầu nên đơn giá bất động sản chưa có gì biến động.
Nhưng về lâu dài vẫn giữ mức tăng này, trong tháng sau chủ đầu tư phải chia sẻ rủi ro đó với nhà thầu. Đồng nghĩa với chủ đầu tư các dự án sẽ phải tính toán lại giá bất động sản nên chắc chắn có sự thay đổi.
Ngoài ra, giá thép nguyên liệu tăng cũng sẽ khiến nhiều loại vật liệu, phụ kiện... có liên quan đến đầu vào là thép sẽ tăng theo. Tác động dây chuyên sẽ khiến nguyên liệu đầu vào của xây dựng nhà lên một mặt bằng mới.
Căn hộ tăng cả trăm triệu?
Giá thép khiến chi phí vật tư đầu vào để xây dựng nhà ở tăng mạnh. Khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng và bất động sản phải “đứng ngồi không yên”. Việc giá thép tăng lên sẽ tác động đến sự hoạt động cũng như sự thanh khoản của BĐS vì giá tăng lên thì nhu cầu trên thị trường BĐS có thể sẽ theo xu hướng chờ đợi giá hạ xuống. Về phía người dân sẽ phải chịu giá đắt đỏ khi mua nhà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), nhận định giá thép tăng sẽ tác động đến giá thành, từ đó đẩy giá bán nhà tăng và người mua nhà sẽ phải lãnh đủ. Với mức tăng của giá thép như những ngày qua, theo tính toán của ông Châu, giá BĐS sẽ tăng khoảng 5% và có thể cao hơn nếu giá thép tiếp tục đi lên.
Ông Châu phân tích, nếu các công ty BĐS đang triển khai dự án chủ động được nguồn vật liệu xây dựng thì có thể không tăng giá bán nhà. Nhưng chắc chắn các dự án BĐS tiếp theo sẽ buộc phải tăng giá vì đây là ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất của việc giá thép biến động.
Theo số liệu của Cục quản lý nhà và thị trường BĐS của Bộ Xây dựng, giá BĐS trong thời gian vừa qua đã tăng từ 5-6% so với 2014, cá biệt có dự án tăng 10-15%, trong đó căn hộ bình dân có mức tăng thấp nhất, căn hộ cao cấp tăng từ 5-15%.
Với mức tăng 5% do tác động của giá thép cộng với giá thực tế đã tăng thời gian qua, một căn hộ có thể đã tăng đến cả trăm triệu đồng..
Thị trường BĐS thời gian vừa qua đang khá yên ắng, các doanh nghiệp BĐS đang phải tính toán lỹ lưỡng bước đi tiếp theo của mình.Người mua nhà cũng nên thận trọng về quyết định của mình cũng như phải chấp nhận với việc giá nhà tăng trong thời gian tới.