SearchNews

Thị trường căn hộ - văn phòng: Vẫn chờ hành lang pháp lý

30/03/2017 10:28

Cùng với sự sôi động trở lại của thị trường, các loại hình bất động sản mới như căn hộ - khách sạn, căn hộ - văn phòng, nhà phố thương mại… đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, hệ thống pháp lý liên quan tới căn hộ - văn phòng chưa được điều chỉnh kịp thời, làm nảy sinh nhiều vướng mắc cho nhà quản lý, chủ đầu tư cũng như khách hàng...

thị trường căn hộ - văn phòng
Thị trường căn hộ - văn phòng đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Kênh đầu tư hấp dẫn

Cùng với sự phát triển mạnh của nền kinh tế, thị trường căn hộ - văn phòng đã phát triển và trở thành kênh đầu tư được quan tâm. Căn hộ - văn phòng cũng đánh dấu bước ngoặt mới trong xu hướng phát triển hiện đại. Đây là mô hình giúp nhà đầu tư có thể vừa kinh doanh, vừa lưu trú trong một thời gian, với những dịch vụ tiện ích đi kèm.

Nhận xét về những lợi thế của căn hộ - văn phòng, ông Lê Đình Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Dream House cho biết, đơn vị đã triển khai dự án D-Vela tại quận 7, TP Hồ Chí Minh, với 168 căn hộ, 9 căn nhà phố thương mại và 82 căn hộ - văn phòng với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Dự án được thiết kế gồm nhiều tiện ích hấp dẫn, như hồ bơi, phòng tập gym, khu spa, nhà trẻ..., với giá bán chỉ từ 1,5 tỷ đồng/căn nên đã "cháy hàng". Theo Công ty Dream House, tìm hiểu về dự án, khách hàng thường hỏi chỗ đỗ xe, không gian công cộng... Nếu dự án giải quyết được những nhu cầu thiết yếu đó, đa số đều quyết định đầu tư căn hộ - văn phòng với mục đích cho thuê. Vì ngoài việc có mức giá cho thuê cao hơn căn hộ chung cư, yếu tố quan trọng khác là họ có thể cho thuê lại dễ dàng nhờ những tiện ích của dự án mang lại. Đây cũng là lý do nhiều dự án có căn hộ - văn phòng đã "cháy hàng".

Tuy nhiên, hiện các căn hộ - văn phòng hiện chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trong 50 năm, trong khi quyền sở hữu căn hộ chung cư là vĩnh viễn. Điều này khiến không ít chủ đầu tư và khách hàng băn khoăn. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng, một công trình cùng được xây dựng trên khu đất có quyền sử dụng lâu dài, nhưng căn hộ tầng trên được sở hữu vĩnh viễn, còn căn hộ kết hợp với văn phòng chỉ được sở hữu có thời hạn là điểm còn bất cập. Mâu thuẫn này có thể dẫn đến tranh chấp nếu không được giải quyết sớm.

Tháo gỡ vướng mắc

Tại hội thảo chuyên đề: “Thị trường căn hộ - văn phòng, nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ" do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã nêu kiến nghị nhằm giúp thị trường này phát triển. Dưới góc độ một doanh nghiệp từng triển khai dự án có mô hình căn hộ - văn phòng, ông Lê Đình Trung kiến nghị Bộ Xây dựng công nhận quyền sở hữu của căn hộ - văn phòng như đối với căn hộ chung cư. Bởi, đây là việc làm cần thiết nhằm làm yên lòng chủ đầu tư và khách hàng trong khi chờ Bộ Xây dựng có thông tư hướng dẫn, quy định các chỉ số cụ thể đối với dự án có mô hình căn hộ loại này.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, loại hình căn hộ - văn phòng, căn hộ - khách sạn ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Song, thực tiễn thường đi trước chính sách. Cách đây hơn hai năm, trong quá trình soạn thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, song thời điểm đó chưa xuất hiện những loại hình căn hộ này. Vì vậy, hiện luật pháp chưa có quy định về quy chuẩn, thiết kế, giao dịch, sử dụng các sản phẩm này.

Tuy nhiên, để bắt kịp xu thế của thị trường, việc công nhận các sản phẩm như căn hộ - văn phòng, căn hộ - khách sạn là tất yếu để tránh xảy ra tranh chấp. Do đó, cần đưa các kiến nghị liên quan đến vấn đề này vào khuôn khổ pháp lý, trên cơ sở đó có thông tư hướng dẫn nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư, khách hàng trong quá trình thực hiện mua bán, vận hành, sử dụng các căn hộ loại này.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, ở góc độ quản lý nhà nước, căn hộ - văn phòng đang gặp vướng mắc về quyền sở hữu. Nếu chúng ta coi căn hộ - văn phòng một phần là nhà ở thì theo Luật Đất đai quyền sở hữu phải ổn định lâu dài. Nếu không coi một phần là nhà ở, có thể chỉ được cấp quyền sở hữu 50 năm.

Vướng mắc khác là theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam, căn hộ chỉ để sử dụng cho mục đích ở thì thiết kế cầu thang, điện nước... rất khác. Còn nếu xây dựng căn hộ - văn phòng thì quy chuẩn cho loại hình này là gì? Tới đây, Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ cùng tham gia với Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS để nghiên cứu, xây dựng một văn bản pháp lý sớm nhất, phù hợp với thực tiễn trên cơ sở xác định sự cần thiết của loại hình căn hộ - văn phòng, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư và khách hàng.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu