Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản... đang có xu hướng chuyển dịch sang thị trường Việt Nam.
Nhiều cơ hội mở ra cho thị trường
Bên cạnh việc gia tăng đầu tư, thị trường bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi khi các nhà đầu tư đánh giá cao về triển vọng cũng như tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam. Cụ thể, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển vào thị trường Việt Nam làm tăng nguồn tài chính cho thị trường bất động sản. Đây được coi là tín hiệu tích cực trong bối cảnh dòng vốn tín dụng trong nước dành cho bất động sản đang dần hạn hẹp.
|
Dòng tiền dịch chuyển vào Việt Nam góp phần gia tăng nguồn tài chính cho thị trường bất động sản. |
Do vậy, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) nhận định, cùng với hiện tượng một số dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán, sẽ có một số dòng vốn FDI khác đổ vào thị trường thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và bất động sản. Trước xu hướng này, ngoài các sản phẩm bất động sản nhà ở, các sản phẩm bất động sản hỗ trợ sản xuất kinh doanh như logistics, khu công nghiệp, văn phòng, hạ tầng cũng có cơ hội phát triển tốt nhằm đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư vào Việt Nam.
Jones LaSalle (JLL) phân tích, nhiều nhà sản xuất đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc để cắt giảm chi phí sản xuất. Theo chiến lược "Trung Quốc + 1" thì Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn đến và thiết lập nhà xưởng mới.
Theo HoREA, giá dầu tăng mạnh cùng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dẫn đến cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia lớn trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam.
Khi đó, thị trường bất động sản cần tận dụng được lợi thế của đất nước để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến sinh sống, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời thu hút nguồn vốn từ kiều bào, nguồn vốn FDI nhiều hơn nữa để thay thế, bổ sung một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nhân và doanh nghiệp nước ngoài sẽ giúp bổ sung nguồn vốn, văn hóa kinh doanh, tầm nhìn, kỹ năng quản lý, quản trị, phong cách kiến trúc, tính giải trình, tính minh bạch cho doanh nhân và các doanh nghiệp trong nước.
Không ít rủi ro tiềm ẩn
Bên cạnh nhiều cơ hội đang mở ra, các chuyên gia phân tích rằng không nên chủ quan mà vẫn cần cẩn trọng. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lan rộng và kéo dài, giao thương sẽ giảm khiến cho tổng cầu giảm. Lúc đó, rủi ro của Trung Quốc sẽ bị đẩy sang ASEAN, bao gồm cả Việt Nam.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, đến cuối năm 2019, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại. Công tác quản trị rủi ro được đánh giá là rất quan trọng đối với các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư bất động sản trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo không mấy sáng sủa như vậy.
Để có thể thu hút thêm các nhà đầu tư, cần đáp ứng các yếu tố hạ tầng cứng và mềm. Trong khi đó, việc phát triển bất động sản công nghiệp cần khá nhiều thời gian. Do đó, các nhà đầu tư có đến đông hơn thì thị trường trong nước cũng chỉ có thể cung ứng một phần nhỏ.
Với kinh nghiệm 4 năm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ông Lê Quốc Thắng cho rằng, bất động sản nước ta đang phải chịu ảnh hưởng xấu từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, trong 2 tháng trở lại đây, bất động sản công nghiệp tại khu vực tư giác phát triển phía Nam gồm Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đang rơi vào trạng thái khủng hoảng, giá đất tăng cao bất thường do có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí có hiện tượng một vài nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào thị trường với danh nghĩa doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, một số đối tượng trục lợi từ chính sách thu hút đầu tư vào các dự án bất động sản công nghiệp, gây rủi ro cho nền kinh tế và hệ thống tài chính.
Theo chuyên gia Võ Trí Thành, việc đầu tư vào bất động sản hạ tầng cần có sự liên kết. Vì thế, công tác quản lý quy hoạch giữa các bộ, ban, ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tỉnh táo khi thực hiện các chính sách tiền tệ nhằm giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế.